» Tin tức » "Lọc" hàng giả trên sàn thương mại điện tử - bài toán đầy thách thức

"Lọc" hàng giả trên sàn thương mại điện tử - bài toán đầy thách thức

Ngày đăng: 20-05-2022

TT.CHG - Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái lộng hành trên môi trường thương mại điện tử không thể xử lý trong “một sớm một chiều” mà cần sự quyết liệt, đồng lòng của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh minh họa

 

Hạn chế trong kiểm soát hàng hóa

Trong 3 bài viết thuộc tuyến bài Chống hàng giả trên sàn thương mại điện tử do Chất lượng Việt Nam thực hiện bao gồm: “Nhận diện vấn nạn hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Tẩu tán hàng ‘nhanh như chớp’”; Hàng giả trên sàn thương mại điện tử - ‘lỗ hổng’ xói mòn nguồn thu thuế; Thắt chặt quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử; cho thấy thương mại điện tử là lĩnh vực tiềm năng “hái ra tiền” nhưng cũng ẩn chứa không ít thách thức.

Cụ thể, những hạn chế trong khả năng kiểm soát rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, thiết lập các tuyến vận chuyển linh hoạt, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa với chi phí vận hành tối ưu. Nhiều sàn thương mại điện tử mải chạy theo việc thu hút người bán tham gia mà chưa chặt chẽ khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa nên đã tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái chen chân. Bởi vậy, cần có những giải pháp thiết thực và đủ quyết liệt để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái lộng hành trên sàn thương mại điện tử.

Trong năm 2021, lực lượng Quản lý Thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Dự báo trong từ 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Trong năm 2021, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

Một thống kê khác của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, để bán hàng qua mạng, hầu hết các đơn vị đều phải đầu tư rất nhiều nhưng chỉ cần một đơn hàng giao không đúng, bị tố trên mạng xã hội phải rất lâu mới vực lại kinh doanh. Hiện nay các đơn vị đều phải có chính sách hậu mãi, không phải hàng mua rồi miễn đổi trả như trước. Do đó, người tiêu dùng thậm chí có thể trả hàng khi không hài lòng, không cần là hàng kém chất lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam

Thời gian qua, để lọc hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn thương mại điện tử đã dùng công nghệ “máy học” - một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI - như Tiki, Sendo, Chotot... Thế nhưng, chủ các sàn thương mại điện tử cũng thừa nhận, dù áp dụng giải pháp nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Đại diện Sendo thông tin, ước tính bộ lọc có thể lọc chính xác từ 80-85% trường hợp hàng giả, hàng nhái và 100% với trường hợp hàng cấm theo quy định của pháp luật. Còn lại sẽ phát hiện thủ công dựa theo các mặt hàng thường bị làm giả và theo nhận xét (review) của người dùng về shop.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử đang áp dụng chế độ đền bù cho khách hàng không may mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn. Theo đó, người mua thanh toán hàng hóa qua nền tảng của sàn thương mại điện tử từ 3-7 ngày sau khi giao hàng thành công nếu không có khiếu nại của khách hàng, sàn sẽ hoàn tiền cho người bán. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái không còn là vấn đề của một vài cá nhân, tổ chức hay công ty, mà là trách nhiệm của toàn xã hội và Nhà nước.

Nhằm kiểm soát hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, theo ông Vũ Anh, Giám đốc chiến lược sàn thương mại điện tử Vỏ Sò , khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, điều đầu tiên phải làm là mã số thuế, thông tin của doanh nghiệp bán hàng phải đầy đủ. Hơn nữa, các sàn cũng nên hợp tác, phối hợp với đơn vị truy xuất nguồn gốc, hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa.

Bên cạnh đó, để việc đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên các nền tảng thương mại điện tử đạt được hiệu quả cao, lực lượng Quản lý Thị trường cần được đào tạo thêm để có thể phát hiện, nhận diện ngay các sản phẩm vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.

Ngoài ra, một vấn đề bức xúc cho người tiêu dùng nữa là việc khiếu nại với sàn thương mại điện tử cũng còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại khách hàng thường không được sàn giải quyết hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm. Do đó, nếu các sàn thương mại điện tử làm tốt hơn khâu này sẽ đảm bảo tiêu chí vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chung tay chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng...

Thanh Tùng (theo VietQ)