» Tin tức » Bảo vệ nhân dân theo quan điểm của Đảng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Bảo vệ nhân dân theo quan điểm của Đảng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Ngày đăng: 24-06-2022

TT.CHG - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có nội hàm về bảo vệ Nhân dân, đây là mục tiêu, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng, trong đó có Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các cấp từ Trung ương đến cơ sở và các lực lượng chuyên trách phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển…

Biên phòng và Hải quan Hà Tĩnh phối hợp kiểm tra phương tiện XNC và hàng hóa XNK. Ảnh: M.Hùng

Hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là vấn nạn của xã hội, là kẻ thù của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên, ngày 19 tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) để giúp Chính phủ chỉ đạo, xây dựng chiến lược chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm góp phần ổn định, phát triển kinh tế, xã hội đất nước, bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người tiêu dùng và mục tiêu cuối cùng cũng chính là bảo vệ Nhân dân.

Vì vậy, làm tốt công tác này cũng là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì một xã hội của dân, do dân, vì dân và Nhân dân thụ hưởng. Và làm tốt công tác này hay không cũng là do con người - những người thực thi nhiệm vụ của các lực lượng phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, là "tấm lá chắn", là "tuyến bảo vệ", là "người gác cửa"... trên trận tuyến này.

Phòng, chống các vi phạm để bảo vệ nhân dân

Từ năm 1986, Đảng và Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng khách quan, khoa học, sáng tạo, trở thành nền tảng tư tưởng phát triển của đất nước, trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò con người chính là động lực và cũng là mục tiêu cao nhất của sự phát triển.

Qua các kỳ đại hội, Đảng ta tiếp tục khẳng định thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Qua 36 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và thay đổi từng ngày, tốc độ tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân của người dân không ngừng tăng lên, đời sống vật chất tinh thần được cải thiện rõ rệt. 

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đạt những kết quả về tăng trưởng sản xuất, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và toàn xã hội bằng cách cung cấp một lượng hàng hóa nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại, nhãn hiệu, kiểu dáng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, chúng ta cũng phải đối đầu với những khó khăn, thách thức và những mặt trái của nền kinh tế, trong đó có vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đây là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, nhằm bảo vệ hàng nội, bảo vệ người tiêu dùng, bình ổn thị trường, chống sự xâm nhập của hàng ngoại, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển.

Các lực lượng như: Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… là những “mũi tên tiên phong” trong cuộc đấu tranh này. Bên cạnh đó, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Mội Trường, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng… và các địa phương đã từng bước phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế đất nước.

Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng được mô hình, tổ chức với bộ máy tương đối hoàn chỉnh từ cấp quốc gia, đến các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương. Cắn cứ thực trạng tình hình, tính phức tạp của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nên nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo 389 đến cấp huyện để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mang tính cấp thiết, toàn diện, thống nhất. Trong đó, có nhiều văn bản chỉ đạo đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, điển hình như: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015, của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia luôn xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, phải tập trung đấu tranh trên cả nhóm hành vi là buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không có trường hợp ngoại lệ và không có "vùng cấm".

Minh chứng là gần đây, nhiều vụ án liên quan đến buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả được vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như: Vụ án buôn lậu điện thoại, thiết bị điện tử, di động xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan; vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan; vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ” xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố phía Nam...

Cũng qua đó cho thấy, tội phạm trong lĩnh vực buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây ra những hậu quả khôn lường đối với xã hội, cần phải được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, dứt điểm, tạo ra chuyển biến thực sự trong bộ máy.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, ảnh hưởng người tiêu dùng, cuộc sống, sức khỏe của người dân, mà còn làm thua thiệt cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, thất thu thuế cho Nhà nước. Vấn nạn này còn là rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính.

Trong những năm gần đây, do tác động, ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn trong cả nước giảm rõ rệt. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, khu vực và trong nước dần được kiểm soát tốt hơn, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở nước ta tiếp tục có diễn biến phức tạp trở lại và có chiều hướng ngày một gia tăng ở hầu hết các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển và các địa bàn nội địa trọng điểm.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã và đang gây ra những hậu quả, tác hại to lớn, làm suy yếu các ngành công nghiệp, sản xuất; giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng với Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng được ban hành năm 1999 (Pháp lệnh số 13/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27 tháng 4 năm 1999) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật số 59/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010) được ban hành năm 2010. Nhờ đó hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, từng bước đưa pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính.

Ngày 22 tháng 01 năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ thị số 30 đã khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, công chức, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trên cơ sở đánh giá thực trạng và chỉ ra nguyên nhân của những bất cập, Chỉ thị số 30 đã đưa ra 6 nhóm giải pháp rất cụ thể đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới.

Nâng cao đạo đức công vụ và sự liêm chính

Những kết quả nêu trên đã góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo đà cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, những kết quả nêu trên cũng khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, quyết liệt của các cấp ủy, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp Nhân dân đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là công tác phòng ngừa vẫn hạn chế, chưa tạo được chuyển biến toàn diện; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp. Không ít doanh nghiệp trong nước còn thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, sản phẩm do mình sản xuất, cung ứng; chưa quan tâm đến lợi ích, sức khoẻ của người tiêu dùng; chưa chủ động hợp tác với cơ quan chức năng trong bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Tình trạng bày bán công khai, nhất là hành vi lợi dụng môi trường mạng để kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... vẫn diễn ra phức tạp trên hầu hết các địa bàn trọng điểm và có chiều hướng ngày một gia tăng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... vẫn tiếp tục diễn ra, chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả...

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một hiện tượng kinh tế - xã hội tiêu cực, từ đó xâm hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn, kỷ cương xã hội, đến nền kinh tế quốc dân. Nguy hại hơn, từ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn dẫn tới các hành vi tham nhũng, làm suy thoái đạo đức, nhân cách của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Vấn đề đó thể hiện ở việc thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, tiếp tay, thậm chí có trường hợp bảo kê cho tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng trong khi thi hành công vụ; kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc chưa nghiêm, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với quy mô rất lớn, tính chất phức tạp; trong đó có một số vụ điển hình: Vụ sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam; vụ tổng kho thuốc lậu tại Lào Cai; vụ sản xuất sách giáo khoa giả; vụ than lậu lớn nhất từ trước đến nay tại Thái Nguyên… Đáng chú ý, thời gian gần đây, các lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ việc tuy phương thức, thủ đoạn không mới, nhưng có quy mô rất lớn, tính chất rất phức tạp và nghiêm trọng, nhiều vụ có sự tiếp tay của chính những cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật. Do vậy, những vụ việc này cũng đặt ra vấn đề, hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả được hay không, phụ thuộc rất lớn vào đạo đức công vụ và sự liêm chính của cán bộ, công chức, đảng viên. Cũng từ những vụ việc đó, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, bóp méo, thổi phồng hòng chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ đặc biệt coi trọng việc xây dựng con người, từ cuối năm 1956, sau khi xem xét dự thảo lần cuối Điều lệ Hải quan, Bác Hồ đã căn dặn: “Đạo đức của nhân viên hải quan là: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong Điều 6, Điều lệ Hải quan - Văn bản pháp quy đầu tiên về hải quan ban hành ngày 27 tháng 02 năm 1960 quy định: "nhân viên hải quan phải có thái độ hòa nhã, tôn trọng hành khách, giữ gìn hàng hóa, nêu cao đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đức “cần, kiệm, liêm, chính” được Bác Hồ xem là cái gốc, là nền tảng của con người mới xã hội chủ nghĩa nói chung, của cán bộ, công chức, đảng viên nói riêng.

Tuy mỗi phẩm chất có nội dung riêng nhưng “cần, kiệm, liêm, chính” lại gắn bó mật thiết với nhau, đòi hỏi phải thực hiện nó trong một tổng thể, cái này làm tiền đề cho cái kia để tạo thành chỉnh thể về nhân cách của người cán bộ, công chức, đảng viên. Có “kiệm” mới “liêm” được, vì xa xỉ (không tiết kiệm) mà tham lam, tham tiền, tham địa vị, danh vọng, sống bất liêm, cần kiệm đi đôi với liêm chính, tương hỗ nhau, trong đó “cần, kiệm, liêm” là gốc rễ của “chính”. Bác Hồ chỉ rõ: “những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành, nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Cần, kiệm, liêm, chính phải được thể hiện cụ thể trong thực tiễn công tác, trong đời sống xã hội và trong phong cách của từng cán bộ, công chức, đảng viên, đòi hỏi phải được tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì mới có được.

Không chỉ với ngành Hải quan, lời dạy của Bác Hồ luôn còn nguyên giá trị, nhắc nhở cán bộ, công chức, đảng viên trong lực lượng phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… để xứng đáng với vai trò, vị trí “công bộc” của dân.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bất kỳ giai đoạn nào, thời điểm nào, ngành Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… cũng đặt ra yêu cầu quan trọng là hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, không ngừng cải cách, hiện đại hóa để vừa tạo môi trường làm việc lành mạnh, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến yếu tố nguồn nhân lực và sự chuyển biến từ nhận thức đến tư duy hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, không chỉ liêm chính của mỗi cá nhân mà còn liêm chính trong mỗi tổ chức, đơn vị.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, đảng viên và từng người dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đây là tư tưởng lấy dân làm gốc, dựa vào Nhân dân để giải quyết mọi vấn đề về chính trị, quốc phòng - an ninh hay kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...  là một công tác khó, ảnh hưởng toàn diện đến mọi lĩnh vực của đất nước nên biết dựa vào Nhân dân, tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân cùng tham gia là một trong những yếu tố, biện pháp quan trọng bên cạnh yếu tố phối hợp với các cơ quan chức năng. Việc tuyên truyền, giác ngộ, vận động tầng lớp doanh nhân phải tự giác chấp hành pháp luật kinh doanh, tích cực làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội, làm giàu hợp pháp cho bản thân là đang xây dựng, phát triển đất nước; góp phần cùng các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và toàn thể Nhân dân trong công tác đấu tranh trên trận tuyến này.

Xác định đúng về lý luận cũng như thực trạng các yếu tố cơ bản tác động đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần đề xuất các giải pháp bảo đảm hiệu quả cho công tác này thời gian tới, trong đó phải kể đến một số giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ngành; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng, ban hành pháp luật; chú trọng hoạt động phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng và vai trò của Nhân dân trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phan Anh (theo BCĐ 389)