» Tin tức chống hàng giả » Bất cập ngăn chặn sữa giả: Quản lý thị trường muốn xác định hàng giả phải có phản ánh

Bất cập ngăn chặn sữa giả: Quản lý thị trường muốn xác định hàng giả phải có phản ánh

Ngày đăng: 21-04-2025

TT.CHG - Liên quan đến vụ sữa giả 500 tỷ đồng, theo chuyên gia, để làm rõ câu chuyện trách nhiệm thuộc về ai thì cần nhìn lại toàn bộ chuỗi giám sát, cấp phép.

Hàng giả tràn lan, cơ quan quản lý chỉ vào cuộc khi có phản ánh

Thực trạng sữa giả, sữa kém chất lượng âm thầm len lỏi trên thị trường đang trở thành mối đe dọa nhãn tiền đối với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vụ triệt phá đường dây sản xuất lô sữa giả trị giá 500 tỷ đồng do Bộ Công an vừa công bố không chỉ gây rúng động dư luận mà còn hé lộ những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện nay.

Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm sữa bột, sữa công thức dành cho trẻ em, người bệnh và nhóm thực phẩm phục vụ chế độ ăn đặc biệt. Tuy nhiên, cơ chế hiện hành không yêu cầu tiền kiểm đối với từng sản phẩm, mà thay vào đó, cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng, cơ quan chức năng chỉ thực hiện hậu kiểm.

Thực tế này khiến vai trò hậu kiểm trở nên đặc biệt quan trọng trong việc giám sát và đảm bảo an toàn sản phẩm. Thế nhưng, việc quá phụ thuộc vào hồ sơ doanh nghiệp tự cung cấp, thiếu hệ thống xác minh chủ động và giám sát thực tế đã tạo ra khoảng trống lớn trong công tác quản lý. Chính điều này đã góp phần để các doanh nghiệp như Rance Pharma và Hacofood Group vận hành đường dây sản xuất sữa giả trong thời gian dài mà không bị phát hiện.

Các sản phẩm sữa bột giả quy mô 500 tỷ đồng vừa được Bộ Công an triệt phá. (Ảnh: VTV)

Trao đổi về cơ chế hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang cho biết, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng này có vai trò chủ yếu trong việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý hàng giả trên thực tế lại phụ thuộc phần lớn vào phản ánh từ người dân. “Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, nếu không có phản ánh, kiến nghị cụ thể thì chúng tôi không có đủ căn cứ pháp lý để tiến hành xác minh, kiểm tra và xử lý,” vị đại diện chia sẻ.

Cũng theo đại diện Chi cục, đối với các mặt hàng sữa do doanh nghiệp trong nước sản xuất, khi kiểm tra nếu chủ cơ sở xuất trình được đầy đủ hồ sơ tự công bố chất lượng, giấy tờ pháp lý và nhãn mác đúng quy định, thì lực lượng Quản lý thị trường không có cơ sở để xử lý, kể cả trong trường hợp hàng hóa đó thực chất là giả.

Thực trạng này tiếp tục cho thấy những bất cập trong cơ chế quản lý hiện hành – nơi mà giấy tờ hợp lệ có thể trở thành "lá chắn" cho hàng giả tồn tại hợp pháp trên thị trường, khiến công tác kiểm tra, giám sát rơi vào thế bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào phản ánh sau sự vụ.

Cần nhìn lại toàn bộ chuỗi giám sát, cấp phép

Luật sư Vũ Văn Biên (Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương) cho rằng, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện được phân chia cho ba cơ quan chủ lực gồm: Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Cụ thể, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm chức năng, dinh dưỡng và cấp phép tự công bố. Bộ Nông nghiệp và Môi trường giám sát các sản phẩm có nguồn gốc từ nông sản. Bộ Công Thương phụ trách khâu lưu thông hàng hóa, kiểm tra nhãn mác, xuất xứ, hóa đơn và chứng từ liên quan.

“Trước tiên, cần khẳng định rằng sữa là một loại thực phẩm, đặc biệt là các dòng sữa công thức cho trẻ em hoặc dùng trong y tế. Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, những sản phẩm này nằm trong nhóm thực phẩm do Bộ Y tế chủ trì quản lý,” luật sư Biên cho biết.

Do đó, ông nhấn mạnh, Bộ Y tế là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc thanh tra, hậu kiểm, đánh giá chất lượng sản phẩm được doanh nghiệp tự công bố. “Đã là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người thì không thể để mặc doanh nghiệp muốn công bố sao cũng được. Bộ Y tế cần thực hiện đúng vai trò của mình trong việc kiểm soát chất lượng.”

Luật sư Biên cũng đề xuất cần rà soát toàn bộ chuỗi giám sát, từ khâu cấp phép thành lập doanh nghiệp, giám sát hoạt động sản xuất cho đến lưu thông hàng hóa trên thị trường. “Khi xác định được sai phạm nằm ở đâu trong chuỗi này, thì cơ quan phụ trách khâu đó phải chịu trách nhiệm,” ông nói.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.

Hải Sơn

TheoCongthuong.vn