» Tin tức chống hàng giả » Bắt giữ nhiều vụ phụ tùng xe gắn máy giả nhãn hiệu HONDA

Bắt giữ nhiều vụ phụ tùng xe gắn máy giả nhãn hiệu HONDA

Ngày đăng: 16-09-2020

TT.CHG - Cục QLTT Tiền Giang phát hiện 10 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe gắn máy giả mạo nhãn hiệu “HONDA” trên địa bàn huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy.

Theo đơn yêu cầu xử lý vi phạm của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, qua thẩm tra, xác minh thông tin, Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT Tiền Giang đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 10 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe gắn máy giả mạo nhãn hiệu “HONDA” trên địa bàn huyện Cái Bè và Cai Lậy.

 Cục QLTT Tiền Giang bắt giữ nhiều vụ vi phạm nhãn hiệu phụ tùng HONDA.

Đội QLTT số 5 hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT Tiền Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở nêu trên với tổng số tiền 58.000.000 đồng; tịch thu 217 đơn vị sản phẩm vi phạm (trị giá 3.445.000 đồng); đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 01 tháng.

Xe máy hiện vẫn là phương tiện giao thông chính nên nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng tại Việt Nam tương đối lớn. Nắm bắt được thị hiếu này, nhiều đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình làm nhái, làm giả để trục lợi. Các bộ phận đảm bảo sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như hệ thống phanh, má phanh, khung xe, lốp, hệ thống truyền động, bộ lọc dầu, pit tông... bị làm giả nhiều nhất.

Thực tế trong những năm vừa qua đã xảy ra khá nhiều trường hợp tai nạn do phụ tùng nhái gây ra: cháy nổ, xe gãy trục, nổ lốp… gây tổn thất to lớn cho người dùng cũng như toàn xã hội. Trong thời gian qua, lực lượng QLTT vẫn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng này.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xe máy, xe điện ngày càng diễn biến phức tạp tại Việt Nam.

Thống kê của VAMM cho thấy, riêng số lượng cửa hàng kinh doanh phụ tùng giả, năm 2018 cả nước có 4.287 cơ sở, năm 2019 lên tới 4.810 cơ sở.

Đáng chú ý, qua các kênh thông tin từ nhà phân phối, phòng bán hàng,… VAMM phát hiện số cửa hàng kinh doanh xe máy giả, xe điện giả ngày càng tăng qua các năm, song số vụ việc được cơ quan chức năng xử lý rất ít. 

Cụ thể, hai con số này qua năm 2017 là 482 cửa hàng/34 vụ được xử lý; năm 2018 có 581 cửa hàng/3 cửa hàng được xử lý; năm 2019 có 602 cửa hàng/5 vụ được xử lý.

Trước những diễn biến phức tạp trên, hồi tháng 7/2020, VAMM đã ký kết chương trình phối hợp chống hàng giả đối với ngành công nghiệp xe máy với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), góp phần làm trong sạch thị trường.

Thu Hà (theo VietQ)