Ngày đăng: 27-09-2019
TT.CHG - Nhờ xuất hiện trên chương trình Shark Tank, chủ công ty sản xuất phụ kiện chụp ảnh tự sướng với chó giành một lợi thế mà những kẻ bán hàng nhái không thể có.
Khi Jason Hernandez giới thiệu công ty Pooch Selfie (có trụ sở ở thành phố San Diego, bang California, Mỹ) trên Shark Tank ở Mỹ vào tháng 3 vừa qua, anh đã khóc khi giải thích về trận chiến với những kẻ sản xuất hàng nhái.
"Chứng kiến người khác lấy cắp ý tưởng và kiếm tiền từ nó là một trải nghiệm vô cùng khó khăn với tôi", Jason thổ lộ.
Jason phát triển Pooch Selfie như công việc tay trái khi anh làm nhân viên kinh doanh cho một công ty đồ điện tử. Anh tham gia Shark Tank để huy động 100.000 USD cho 20% cổ phần công ty.
Sau khi khóc và thừa nhận thất bại trước những kẻ bán hàng nhái, anh chấp nhận đề nghị của tỉ phú Daymond John để bán 33,3% cổ phần cho 100.000 USD.
Quả bóng tennis kèm theo phụ kiện Pooch Selfie khiến những con chó nhìn chăm chú vào camera, khiến việc chụp ảnh tự sướng trở nên dễ hơn. Ảnh: pivot.com
"Con chó Spartan của tôi vừa chết và tôi không có ảnh nào của nó giống như vậy", tỉ phú Daymond tâm sự với Jason và chỉ tay vào ảnh con chó Logan. "Tôi hiểu niềm đam mê từ việc bảo vệ thứ gì đó và cũng hiểu tình yêu với những chú chó nhỏ".
Năm 2015, Jason từng "vật vã" khi chụp ảnh tự sướng với con chó cưng Logan vì nó không nhìn vào camera quá lâu. Sau đó, anh nảy ra ý tưởng chế tạo phụ kiện điện thoại thông minh gắn với quả bóng tennis để thu hút sự chú ý của chó. Anh đặt tên sản phẩm là Pooch Selfie.
Hóa ra Jason không phải là người đầu tiên tìm giải pháp cho việc chụp ảnh tự sướng với chó. Khi anh đưa ý tưởng nên trang gọi vốn cộng đồng Kickstarter vào năm 2015, mọi người góp vốn tới 40.000 USD, trong khi anh chỉ đặt mục tiêu huy động 7.000 USD.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng của chiến dịch huy động vốn cũng khiến những kẻ làm hàng nhái phát hiện cơ hội béo bở. Những sản phẩm Pooch Selfie giả mạo nhanh chóng xuất hiện trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội.
Doanh thu của Pooch Selfie đạt 380.000 USD trong năm 2018 và có thể đạt 500.000 USD trong năm nay. Dù doanh thu tăng, Jason vẫn muốn tìm những kẻ sản xuất hàng nhái để vạch mặt và ngăn chặn họ.
Chống hàng giả, hàng nhái trên Amazon và eBay là việc rất khó. Mặc dù cả hai nền tảng đều có chính sách đối phó những kẻ bán hàng nhái, họ không thể xóa ngay hàng nhái trên trang nếu tòa án hoặc ủy ban thương mại quốc tế chưa ra quyết định.
"Quá trình kiện một kẻ bán hàng nhái có thể làm phát sinh chi phí từ 5.000 tới 10.000 USD, quá cao đối với tôi, trong khi số lượng người bán hàng nhái lên tới hàng trăm", Jason giải thích.
Bất ngờ thay, trang thương mại điện tử Alibaba tại Trung Quốc đã đáp ứng lời kêu gọi của Jason rất nhanh chóng. Sau khi yêu cầu anh cung cấp giấy chứng nhận sáng chế, Alibaba đã xóa những sản phẩm Pooch Selfie nhái.
Nhờ sự xuất hiện trong chương trình Shark Tank, Jason có cơ hội kí hợp đồng phân phối với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ như Target, Walmart, Home Depot. Mặc dù Jason biết chương trình Shark Tank có thể làm tăng số lượng kẻ sản xuất hàng nhái, anh lại hưởng một lợi thế mà những kẻ bán hàng nhái không có.
"Người tiêu dùng sẽ mua những sản phẩm Pooch Selfie mà họ thấy trên chương trình Shark Tank. Dù các nền tảng thương mại điện tử không xóa sản phẩm nhái, người tiêu dùng sẽ không mua chúng vì họ đã biết đặc điểm riêng của sản phẩm thật", Jason giải thích.
Nhạc Dương (Theo Theo Kinh tế & Tiêu dùng)