» Tin tức » Bộ Công Thương: Chủ động xây dựng Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Bộ Công Thương: Chủ động xây dựng Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Ngày đăng: 28-04-2022

TT.CHG - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cho biết trong quý I năm 2022 lực lượng Quản lý Thị trường đã xử lý 15.120 vụ vi phạm; tính riêng kế hoạch Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã xử lý 5.844 vụ vi phạm.

Nguồn internet

Đánh giá tình hình diễn biến xung đột vũ trang diễn biến phức tạp giữa Nga - Ukraina, tình hình cung cầu hàng hóa trong nước cũng như giá cả hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng có một số biến động. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu trong tháng có biến động, nhóm hàng thực phẩm có giá tăng nhẹ, riêng giá mặt hàng xăng dầu tăng sau hai lần điều chỉnh giá gần nhất, giá sắt thép, phân bón tăng do việc tạm ngưng chuỗi cung ứng nhiên liệu tại Nga, Uk raina. Bên cạnh đó là do biến động về nguồn cung xăng dầu do công suất lọc dầu của nhà máy Nghi Sơn bị cắt giảm, cùng với đó giá xăng dầu thế giới tăng mạnh dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt ở khu vực miền Nam phải tạm ngưng, ngừng hoạt động. Nhu cầu tích trữ, sử dụng que thử nhanh Covid-19, máy đo SPO2, thuốc chữa Covid và các vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, điều trị bệnh khác tăng mạnh cùng với sự quản lý chặt chẽ của nhà nước trong khâu lưu thông que thử nhanh Covid dẫn đến một số thời điểm bị khan hàng, tăng giá bất hợp lý.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý Thị trường) đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trên các địa bàn, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân vui Tết; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong công tác chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, vi phạm an toàn thực phẩm; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng pháo các loại, đồ chơi trẻ em bạo lực…

Tiếp đó, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Tổng cục đã chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế... Vụ việc điển hình tại Hà Nội: Phát hiện, tạm giữ 112 thùng carton với gần 60.000 kit test nhanh Covid-19, 3.000 sản phẩm thuốc tân dược và gần 200.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ trị giá trên 10 tỷ đồng

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp bình ổn nguồn cung và thực hiện các giải pháp bình ổn giá xăng dầu, ngay từ dịp cận Tết Nguyên đán và ban hành nhiều văn bản, công điện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Trong 03 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền chấp thuận, giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng, vi phạm về đăng ký thời gian bán hàng, bán cao hơn giá niêm yết, vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu… Cụ thể: Đã xử lý xử lý 03 Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm về găm hàng.

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong quý I năm 2022 thu nộp ngân sách nhà nước trên 78 tỷ đồng; tính riêng đợt cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần thu nộp ngân sách nhà nước trên 44 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả như trên, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng Kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị thành viên, trong đó lực lượng QLTT là nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác Quản lý thị trường, nhất là đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Qua đó, đã góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý Thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức, từng đơn vị; Tăng cường công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ cho toàn thể công chức; xử lý nghiêm công chức vi phạm, đặc biệt là hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

Đẩy mạnh số hoá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, hiệu lực, hiệu quả; Tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả.

Nguyễn Xuân (theo BCĐ 389)