» Tin tức » Bộ Công Thương gia tăng quản lý, giám sát ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ mặt hàng đường nhập khẩu

Bộ Công Thương gia tăng quản lý, giám sát ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ mặt hàng đường nhập khẩu

Ngày đăng: 09-05-2023

TT.CHG - Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận xuất xứ mặt hàng đường nhập khẩu. Đồng thời, giám sát chẹt chẽ việc thực hiện các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh để đảm bảo hiệu quả thực thi, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất đường.

Theo Bộ Công Thương, đường là một trong những mặt hàng được bảo hộ ở mức cao nhất trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể là khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA)... trên tinh thần đó, Bộ Công Thương đã cân nhắc, đánh giá toàn diện khi thực hiện thẩm quyền được giao trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như điều hành nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan. Đặc biệt vào ngày 1/1/2020 ngay sau khi bãi bõ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Hiệp hội mía đường Việt Nam tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu có xuất xứ Thái Lan. Đơn cử ngày 15/6/2021 Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế 47,64% có hiệu lực trong 5 năm. Tiếp đó, ngày 1/8/2022 Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BTC về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonexia, Lào, Malayxia và Mianma với mức thuế tương đương như đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Ngoài ra, Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường....

Năm 2022, sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu từ Thái Lan và biện pháp chống lẩn tránh với đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm mạnh. Theo số liệu của cơ quan Hải quan, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại giảm từ 1.206.475 tấn (năm 2020) xuống còn 115.358 tấn (năm 2022), tương đương giảm hơn 10 lần.

Các biện pháp mà Bộ Công Thương liên tiếp triển khai thời gian qua đã góp phần ngăn chặn tình trạng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh với đường của Việt Nam và bước đầu tạo điều kiện cho ngành mía đường Việt Nam phát triển ổn định, tăng về diện tích và sản lượng cũng như giá thu mau mía cho người nông dân trong hơn 2 năm qua.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng vệ thương mại trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu nói chung và mặt hàng đường nói riêng theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế; tiếp tục triển khai Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,” tập trung vào các hoạt động tăng cường thông tin, kiến thức về các biện pháp phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước; phối hợp với các hiệp hội, đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, nhập khẩu để kịp thời có biện pháp phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nền các ngành sản xuất trong nước. Đối với các vụ việc điều tra,  tiếp tục tiến hành một cách công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo ý kiến của tất cả các bên có lợi ích liên quan đều được lắng nghe, đưa ra những kết luận phản ánh chính xác nhất thực tế nhằm ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.

 Đặng Thu Hằng (theo BCĐ 389)