» Tin tức » Bộ Công thương: Tích cực vào cuộc ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra trên thị trường

Bộ Công thương: Tích cực vào cuộc ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra trên thị trường

Ngày đăng: 17-01-2022

TT.CHG - Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương cho biết, trong năm 2021 đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trực tiếp và phối hợp đấu tranh triệt phá nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên khắp cả nước; đóng vai trò chính là lực lượng Quản lý thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương, năm 2021 tại thị trường nội địa, hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra, đặc biệt trong thời gian nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoạt động kinh doanh online, sàn thương mại điện tử và dịch vụ chuyển phát, giao hàng qua hệ thống các doanh nghiệp bưu chính tiềm ẩn nguy cơ cao, các đối tượng lợi dụng vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nhìn chung tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Nhất là hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, khó lường.

Cùng với đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vào việc mua bán trao đổi hàng hóa ngày càng phát triển nên việc xác minh, truy tìm và xử lý vụ việc còn gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh lớn, đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành… nên gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Tuy nhiên, kết quả mà Ban Chỉ đạo 389 Bộ đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trưởng phát hiện, xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính gần 244 tỷ, ước tiền bán hàng hóa, phương tiện vi phạm bị tịch thu trên 186 tỷ đồng,

Để góp phần đạt được kết quả như trên là sự phối hợp chặt chẽ giữ các cơ quan thuộc Bộ như: Cục Thương mại điện tử, Cục kỹ thuật số phối hợp cung cấp thông tin cho Tổng cục Quản lý thị trường.

Ngoài ra còn phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, phức tạp như: Tấn công, triệt phá kho hàng 13.726 cái túi xách, ví các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Hermes, Gucci, LV, Yves Saint Laurent, Dior tại Nam Định; kiểm tra, xử lý 08 kho hàng, cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hà Nội, Hưng Yên, tạm giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, hàng gia dụng và rượu; phát hiện xe ô tô được cấp giấy phép “luồng xanh” ưu tiên hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 để vận chuyển khoảng 7 tấn nầm lợn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội; vụ việc phát hiện 17.000 khẩu trang giả nhãn hiệu 3M tại Hà Nội…

Trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùngvà phức tạp, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022

Nắm bắt được tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương tập trung thực hiện một số hiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 như: Tiếp tục quán triệt và thực hiện các chương trình, kế hoạch, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện xử lý kịp thời những công chức có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đảm bảo nội bộ trong sạch vững mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đẩy mạnh số hoá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Chỉ đạo các thành viên xây dựng kịp thời các Kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa.

Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành.

Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, ngành hàng, các Tổ chức giám định trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin, giám định hàng hoá…để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Xuân (theo BCĐ 389)