» Tin tức » Bộ đội Biên phòng: Nhận diện tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Bộ đội Biên phòng: Nhận diện tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Ngày đăng: 19-01-2022

TT.CHG - Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng cho biết, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đồng thời phát huy sức mạnh lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Được biết, trên các tuyến biên giới Việt Nam giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia, các đối tượng luôn lợi dụng tình hình và địa hình để mua bán bán, vận chuyển hàng hóa lậu và hàng cấm.

Tại tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, lợi dụng địa hình sông suối, các đường mòn qua lại biên giới, đêm tối, thời tiết diễn biến phức tạp và sơ hở của các lực lượng chức năng, đối tượng buôn lậu tập kết hàng hóa ở khu vực giáp biên giới, sau đó chia nhỏ, chia lẻ hàng hóa, cư dân biên giới dùng đò, mang vận chuyển trái phép qua sông, suối hoặc mang, vác hàng qua đường mòn. Mặt hàng buôn lậu chủ yếu qua tuyến này là đồ điện tử, dược liệu, thực phẩm chức năng, thuốc lá điếu, rượu, lá thuốc lá nguyên liệu, gia cầm, gia súc, nội tạng động vật, quần áo may sẵn, phụ tùng điện máy, pháo nổ. Địa bàn trọng điểm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai.

Tại tuyến biên giới Việt Nam – Lào, các đối tượng lợi dụng lĩnh vực tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; móc nối chặt chẽ với nhau, tìm mọi kẽ hở trong thủ tục hành chính và chính sách thương mại ở khu vực cửa khẩu để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Mặt hàng chủ yếu là mỹ phẩm, rượu, bia, lâm sản, gỗ, động vật hoang dã, vàng, ngoại tệ, đường cát, pháo nổ. Địa bàn trọng điểm: Hà Tĩnh, Quảng Trị và Kon Tum.

Tại tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, đối tượng tập kết hàng lậu sát biên giới, sau đó xé lẻ hoặc trà trộn với các loại hàng hóa nhập khẩu chính ngạch để vận chuyển về Việt Nam; một số chủ đầu nậu mua hàng hóa từ nước ngoài, sau dó thuê người dân thông thuộc địa bàn trực tiếp sang bên kia biên giới đóng gói hàng và sử dụng ghe, xuồng máy công suất lớn hoặc sử dụng xe máy di chuyển với tốc độ cao để vận chuyển trái phép qua các kênh rạch, đường mòn, lối mở biên giới về Việt Nam tập kết chờ cơ hội để vận chuyển sâu vào nôi địa tiêu thụ.

Tình hình buôn lậu trên tuyến biển nổi lên là hoạt động buôn lậu xăng, dầu tiềm ẩn những diễn biến phức tạp với quy mô, số lượng lớn; phương thức thủ đoạn phổ biến dùng tàu chở hàng lậu từ nước ngoài đến vùng biển Việt Nam, đối tượng thông báo cho chủ hàng Việt Nam ra hiệu trước quy ước cặp mạn sang hàng; khi phát hiện, truy đuổi thì dễ dàng chạy sang vùng biển bước bạn để tránh bị bắt giữ.

Tiếp đó, đối với xăng, dầu tạm nhập tái xuất, sau khi hoàn thành thủ tục tái xuất, quá trình di chuyển thường xuyên thay đổi số phương tiện, đường đi lòng vòng nhắm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, sau đó tìm cách quay lại thẩm lậu vào nội địa hoặc mang sang mạn chuyển hàng hóa sang các tàu đánh bắt hải sản, tàu phục vụ hậu cần nghề các để sử dụng trên biển.

Địa bàn trọng điểm về buôn lậu xăng, dầu được xác định trên các vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang.

Năm qua, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ ra một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm buôn lậu, cụ thể: trước khi thực hiện hành vi vi phạm, đối tượng buôn lậu chủ động thông báo cho cơ quan chức năng và công ty cung cấp, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình về việc máy AIS đang bị trục trặc, sau đó thực hiện việc tắt máy hoặc làm hư hỏng thiết bị.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, lợi dụng vấn đề này, các đối tượng cất giấu ma túy, vũ khí, súng, đạn, thể thao, pháo, gỗ hiếm, mỹ phẩm, rượu ngoại, vàng và hàng hóa có giá trị khác trong các phương tiện vận tải để vận chuyển qua biên giới, qua cửa khẩu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo 1389/Bộ Quốc phòng đã quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt ngay từ khâu xây dựng và đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch, do đó các đơn vị đã chú trọng và có quyết tâm hơn trong thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các vi phạm đều được khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh khách quan và xử lý chặt chẽ, đúng thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng và quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, khiếu kiện.

Đặc biệt năm 2021, Bộ đội Biên phòng đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án ma túy có số lượng đặc biệt lớn và buôn lậu có giá trị hàng hóa lớn.

Kết quả năm 2021, các đơn vị Bộ đội Biên phòng chủ trì phát hiện, bắt giữ 2.370 vụ/1.950 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại. Trị giá tang vật tạm giữ khoảng 109 tỉ đồng.

Tang vật vi phạm gồm: 1.1613,15 kg ma túy các loại; 6.052 tấn pháo; 2.245.419 lít xăng dầu; 603 tấn phân lân; 158.302 kg đường; 994.664 bao thuốc lá; 02 container thực phẩm; 29.028 lọ kem dưỡng da; 02 khẩu súng hơi và 73.335 đạn và nhiều hàng hóa khác….

Trong thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản; tăng cường công tác nắm tình hình, duy trì tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biên giới, cửa khẩu và vùng biển; tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển và các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập cảnh ra vào khu vực cửa khẩu; kịp thời phát hiện các đối tượng, phương tiện vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, qua cửa khẩu.

Chủ động xây dựng kế hoạch nghiệp vụ hoặc xác lập chuyên án đâu tranh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự ở khu vực biên giới, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nguyễn Xuân (theo BCĐ 389)