» Tin tức » Cần xử lý nghiêm tình trạng sản xuất phân bón giả

Cần xử lý nghiêm tình trạng sản xuất phân bón giả

Ngày đăng: 09-04-2022

TT.CHG - Thời gian qua tình trạng sản xuất, kinh doanh tràn lan mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Trước thực trạng trên, rất cần sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong đó sớm giải quyết một số giải pháp để xử lý nghiêm tình trạng sản xuất phân bón giả.

Theo các nhà khoa học thì phân bón được hiểu là “các thành phần dinh dưỡng được con người cung cấp cho cây trồng thông qua rễ hoặc lá giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, nâng cao năng suất. Là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng”.

Xét về cấu tạo, nguồn gốc hình thành thì phân bón là những chất hoặc hợp chất từ các chất hữu cơ (phân hữu cơ) hoặc chất vô cơ (phân vô cơ) có chứa một hay nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu được đưa vào trong sản xuất nông nghiệp với mục đính chính là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng nhằm giúp chúng sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao đồng thời làm tăng chất lượng cải tạo đất đai. Phân bón sử dụng trong trồng trọt bao gồm các loại như phân hữu cơ, phân vô cơ và phân vi sinh.

Như vậy, tác dụng của phân bón nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng của cây trồng, giúp thúc đẩy các quá trình sinh trưởng của cây trồng. Ngoài việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết, phân bón còn tác động đến toàn bộ hệ sinh thái nông nghiệp, giúp cho quá trình phân hủy, chuyển hóa các chất... tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, phân giải các chất khó hấp thu thành các chất dễ hấp thu, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe mạnh…

Qua đó cho thấy, cây trồng sẽ không phát triển hay phát triển kém nếu không được bổ sung phân bón đúng chất lượng, cùng với đó sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng. Nguy hại hơn, sử dụng phân bón giả sẽ làm thoái hóa đất đai. Theo thống kê của các nhà khoa học cho thấy hiện nay: “Tại Việt Nam, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng trên 27,3 triệu ha, tương đương với 80,4% tổng diện tích Việt Nam, đóng góp 24% GDP, sử dụng hơn 47% lực lượng lao động của quốc gia…”. Như vậy, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp của người dân rất lớn.

Thông tin phản ánh qua các phương tiện thông tin được biết, hiện nay tình trạng sản xuất, kinh doanh tràn lan mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Hàng năm có hàng triệu người nông dân phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để mua phân bón mà chính họ không thể xác định đó là phân bón giả hay thật.

Thủ đoạn làm giả phân bón của một số đối tượng rất công khai thông qua việc các cơ sở sản xuất dùng 2 loại bột đó là bột Dolomite, thực chất là một dạng bột đá chỉ có giá từ 400 đến 500 ngàn đồng/tấn trộn với bột Caolanh (thực chất là đất sét) sau đó se lại thành viên và xấy khô rồi đóng bao ghi rõ là phân bón rồi bán ra thị trường. Trong khi đó giá phân bón bán ra trên thị trường hiện nay từ 17.500 đến 18.000 đồng/kg. Do lợi nhuận từ phân bón giả mang lại là rất lớn, nên một số đối tượng tìm mọi cách để sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Cùng với đó là công nghệ làm bao bì giả rất giống với vỏ bao bì thật của các doanh nghiệp lớn có đăng ký sở hữu nhãn mác. Việc sản xuất phân bón giả quá dễ dàng, thậm chí có trường hợp theo phản ánh ngay thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra lấy mẫu kiểm tra chất lượng thì lô hàng vẫn được mang đi tiêu thụ.

Hậu quả do nạn phân bón giả gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp, cuối cùng phải bán đất trả nợ. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Nguyên nhân khiến cho việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay vẫn tồn tại đó là khâu quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều bất cập; các quy định pháp luật về xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả còn nhiều kẽ hở, nên khi có vụ việc xẩy ra, quá trình xử lý rất phức tạp; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời. Quá trình thu hồi, xử lý phân bón giả rất phức tạp, thậm chí khi phát hiện được thì hàng hóa đã tiêu thụ hết.

Trước thực trạng trên, rất cần sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong đó sớm giải quyết một số nội dung sau:

Ban Chỉ đạo 389 các bộ ngành có liên quan và các địa phương sớm tham mưu lãnh đạo bộ và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch chuyên đề về phát hiện, đấu tranh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rà soát các quy định pháp luật còn sơ hở, bất cập có liên quan đến lĩnh vực này để tham mưu Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp. Cùng với đó cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, xử lý, thu hồi đối với các vụ việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả bị phát hiện.

Phát huy vai trò của cơ quan Hợp tác xã trong việc cung ứng mặt hàng phân bón cho người nông dân để họ yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết và phân biệt được giữa phân bón giả và phân bón đảm bảo chất lượng thông qua giá cả, nguồn cung cấp nên chọn mua phân bón, vật tư nông nghiệp của các doanh nghiệp lớn, uy tín, phối hợp kịp thời và cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến phân bón giả để có cơ sở xác minh, điều tra, xử lý khi phát hiện vi phạm.

Đoàn Ngọc Toàn (theo BCĐ 389)