» Tin tức » CEO Phạm Minh Trí - Vươn cao tre Việt.

CEO Phạm Minh Trí - Vươn cao tre Việt.

Ngày đăng: 26-01-2019

 

Chúng ta đã và đang trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp lớn trên thế giới. Từ cuộc cách mạng 1.0 đến 2.0 tiếp nối 3.0 và hiện nay là sự bùng nổ của cách mạng 4.0 đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, biểu hiện qua các sản phẩm thông minh nhờ sự đột phá của công nghệ số. Như một lẽ tự nhiên, xã hội thường có xu hướng vận động đi lên từ thấp đến cao. Thế nên sự quay đầu trở lại những điều xưa cũ, giản đơn đôi khi ít được đón nhận. Thậm chí, nhiều người cho rằng đó là hành động “điên rồ”. “Mọi việc bắt đầu không dễ dàng khi bạn bè đều nghĩ tôi bị điên. Không ai trong số họ muốn cùng tôi thực hiện ý tưởng này”, đó chính là chia sẻ của anh Phạm Minh Trí – Giám đốc Công ty Viet Bamboo Bike, khi bước đầu khởi sự trên con đường lập nghiệp của mình.  

Luôn là người khác biệt

Hiện nay, trên thế giới có hàng tỉ người đang sinh sống và làm việc, mỗi người đều có lựa chọn khác nhau để biến giấc mơ trở thành sự thực. Và anh lại dũng cảm chọn cho mình một lối đi riêng đầy thách thức và có phần mạo hiểm. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành ô tô tại Việt Nam. Chặng đường nghiên cứu được tiếp nối khi anh quyết định theo học thạc sĩ ô tô chuyên sâu về vật liệu và mô phỏng tại Đức – đất nước được ví như “siêu quốc gia” về ngành công nghiệp ô tô trên thế giới. Tại vùng đất xinh đẹp này, anh không chỉ lĩnh hội tri thức, sự trải nghiệm mà còn nhiều điều ý nghĩa khác.

Anh còn nhớ vào năm 2009, trong cuộc triển lãm và hội thảo khoa học do trường tổ chức, một sản phẩm độc đáo đã thu hút anh ngay từ ánh nhìn đầu tiên, đó là chiếc xe đạp được thiết kế bằng tre. Hình ảnh ấy dần chi phối suy nghĩ và thôi thúc anh phải hành động. Chính vì vậy, ngay từ khi còn đang học tập và làm việc ở Bộ phận Thiết kế vật liệu tại Hãng ô tô ở Stuttgart (Đức), anh đã lên kế hoạch tiến hành thiết kế sườn xe, nghiên cứu vật liệu.

Thân tre được sấy khô và nhiệt luyện để ngăn ngừa nứt vỡ

Là một người con đất Việt, từ thuở nhỏ anh đã ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của tre trong đời sống dân tộc. Lại là người có đam mê với kinh doanh và luôn tìm tỏi, khám phá những điều mới mẻ, nên anh ấp ủ giấc mơ sẽ “làm nên chuyện” với tre, trở về quê nhà, từ nền tảng kiến thức tích lũy được, anh Trí bắt tay ngay vào hành động. Càng tiếp xúc với tre, anh nhận thấy nó không chỉ thể hiện tính độc đáo mà với kết cấu sợi đẳng hướng giúp tre chịu lực theo mặt cắt cao, có khả năng giảm sốc tốt hơn xe làm bằng kim loại. Song mọi thứ lại không dễ dàng như anh nghĩ. Ngay khi nêu lên ý tưởng, mọi người xung quanh anh luôn tỏ ra e ngại và cho rằng đó là một hướng đi không tiềm năng, còn ẩn chứa nhiều điều mạo hiểm. Thế nhưng là một người có hiểu biết nhất định về cơ khí chế tạo, lắp ráp, anh Trí tin tưởng rằng không có điều gì làm khó được mình nếu bản thân quyết tâm và theo đuổi đến cùng!

Xe đạp tre gần gũi với người Việt, tiện ích và bền bỉ

Để hoàn thiện một chiếc xe, anh đã tự mày mò, nghiên cứu, vừa làm vừa học. Tất nhiên, sự thất bại là điều không thể  tránh khỏi.Thế nhưng, với đầu óc nhạy bén, và lòng say mê nhiệt thành, những khó khăn ấy đã không làm chùn bước chàng trai trẻ. Chia sẻ về khó khăn phải đối mặt, anh cho rằng, điều trăn trở nhiều nhất chính là khâu tìm kiếm nguyên liệu theo tính toán giúp tạo nên sản phẩm an toàn chất lượng cho người sử dụng. Trong vô vàn loại tre ở Việt Nam, anh chú tâm nghiên cứu các loại tre có độ bền, chịu lực tốt, khả năng giảm sốc, giảm rung lắc cao. Sau quá trình tìm hiểu và sàng lọc, anh lựa ra 18 loại tre có tính ứng dụng để thử nghiệm. Cuối cùng anh chọn tầm vông tại vùng Thất Sơn, An Giang làm khung xe. Vùng núi đá này góp phần nuôi dưỡng những cây tre bền, chắc và tốt hơn hẳn các vùng khác. Nhằm tăng độ cứng cũng như khả năng chống mối mọt, tre có thể được xử lý bằng nhiều cách khác nhau như ngâm bùn, sấy khô, hun khói,... Bên cạnh nguyên liệu chính, chất keo kết nối các khớp cũng được anh quan tâm và lựa chọn cẩn thận. Vì mỗi loại keo đều có đặc tính và thông số khác nhau, nên anh phải nhập khẩu đúng loại keo epoxy để tạo nên sự kết hợp giữa keo và sợi hoàn hảo và an toàn nhất. Là dân kỹ thuật, anh phải cẩn thận ở mọi công đoạn, tính toán chuẩn xác ngay từ các bước đầu tiên, sao cho những chiếc xe khi hoàn thành phải đồng nhất tối ưu về chất lượng.

Trong quá trình thực hiện, ban đầu anh chỉ dùng tre làm sườn thay cho kim loại, sau này nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần anh nhận thấy nhiều phụ tùng khác thay thế bằng tre vẫn đạt chuẩn chất lượng đồng thời mang lại tính thẩm mỹ cao. Thế nên, khi có yêu cầu từ phía khách hàng, anh tìm cách dùng tre làm pedan, vành xe, phuộc xe, dè xe, chắn sên, tay lái… Tuy nhiên, các khớp nối giữa yên với thân xe, kẹp gắp kết nối với đĩa và bánh, hoặc cổ xe vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên.

Tham vọng chinh phục biển lớn

Hiện xe đạp tre của anh Trí đã được cấp Chứng nhận quốc tế về chất lượng khung xe đạp đạt chuẩn ISO 4210 SGS (Thụy Sỹ) và DIN (Đức) với hơn 200 chiếc được xuất sang các nước châu Âu mỗi năm. Tuy vậy, sản phẩm này khá kén người sử dụng do giá thành tương đối cao. Bởi, dù việc sản xuất xe đạp tre không đòi hỏi đầu tư nhiều kinh phí vào cơ sở hạ tầng, nhưng yêu cầu người thợ phải dành nhiều thời gian và công sức, riêng thời gian làm một khung xe mất khoảng 35 - 40 giờ đồng hồ. Nếu chỉ tính khung xe giá cũng từ 9 triệu đến 13 triệu đồng tùy loại. Mỗi chiếc xe khi hoàn thiện sẽ có giá từ 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng tùy từng dòng sản phẩm và phụ tùng đi kèm. Có thể thấy, mức giá trên khá cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam, nhưng chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với sản phẩm cùng loại trên thế giới. Do vậy, khách hàng chủ yếu của anh là ở nước ngoài. Đơn hàng đầu tiên anh ký được cũng đến từ một công ty tại Đức; hiện công ty này cũng đang là đối tác phân phối sản phẩm của công ty anh. Ngoài các mẫu xe cổ điển, thành thị, xe leo núi, xe đua… trong tương lai, Viet Bamboo Bike sẽ cho ra đời nhiều dòng sản phẩm bán công nghiệp, sử dụng khuôn đúc giúp giảm thời gian làm thủ công, từng bước giảm giá thành. Qua đó, xe đạp tre sẽ đến gần hơn với người Việt. Song song đó, anh còn ấp ủ nhiều dự án hợp tác cùng các khu du lịch, xúc tiến cho thuê, giúp du khách đến tham quan và có sự trải nghiệm sâu sắc hơn đối với sản phẩm.

Thích nghi để tồn tại

Tại Việt Nam một số người cũng theo đuổi làm xe đẹp bằng tre như anh. Nhưng một vài người đã bỏ nghề. Còn anh, anh vẫn duy trì được niềm đam mê của chính mình bằng cách tập thay đổi để thích nghi với sự khốc liệt của thị trường. Thay vì làm theo người khác, làm kiểu đại trà, thiếu sự phá cách. Anh chọn tập trung và đẩy mạnh vào thiết kế. Ngay từ đầu anh đã đặt ra hướng phát triển, dẫu biết điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí tài chính, mức độ ảnh hưởng tới thị trường. Anh cho rằng mình chưa phải người đầu tiên làm xe đạp tre trên thế giới và tại Việt Nam nhưng anh tự tin mình làm nên nhiều điều mới lạ cho chiếc xe này. Biến một chiếc xe vốn bình thường trở nên khác biệt và độc đáo hơn.

Hiện nay, phần lớn khách hàng của anh là người nước ngoài, họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản, thay thế bằng các nguồn nguyên liệu xanh có khả năng tái tạo. Đặc biệt, đa số họ muốn thể hiện cá tính riêng. Vì thế, sự phá cách như màu sơn, dùng bút khắc tên, vẽ tranh lên thân xe, các bộ phận không làm bằng tre cũng phải được đầu tư nhằm mang đến sự hài lòng cho người mua. Cứ mỗi ngày anh áp dụng thêm một thứ, cho đến bây giờ, mỗi chiếc xe khi xuất xưởng đều có chất lượng đồng đều nhưng có sự khác biệt về thiết kế. Mặc dù phải trả giá bằng mồ hô, công sức và thời gian nghiên cứu nhưng với anh đó lại là niềm vui, bởi khách hàng càng yêu cầu khó, anh càng có thêm động lực để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Với những thiết kế này, anh đang góp phần chung tay vì cuộc sống ý nghĩa, mang đến sự cân bằng và tương lai tươi đẹp cho thế hệ mai sau. Dù là một công ty còn khá non trẻ, giai đoạn khởi đầu nhiều gian nan, khó khăn và thị trường mới mẻ, nhưng với niềm tin và nghị lực, anh Phạm Minh Trí đã gặt hái được những thành công nhất định. Bởi anh tâm niệm “Trên đời này không có việc gì khó, miễn là mình có niềm tin và hoài bão”.