» Tin tức » Chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam- Nóng dịp cận tết Nguyên Đán

Chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam- Nóng dịp cận tết Nguyên Đán

Ngày đăng: 15-01-2022

TT.CHG - Càng gần dịp tết Nguyên Đán, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu dùng mọi thủ đoạn đưa hàng qua biên giới rồi vận chuyển về tiêu thụ tại nội địa. Nhiều vụ việc đã bị các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 địa phương phát hiện và bắt giữ…

Diễn biến phức tạp

Tại tỉnh An Giang, mặc dù các lực chức năng tăng cường tuần tra, siết chặt trên tuyến biên giới, nhưng tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hoá qua biên giới vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Trong vòng 1 tháng qua, hoạt động buôn lậu tăng vọt so với thời gian trước đó. Các đối tượng buôn lậu sử dụng cả đường bộ, đường thủy (đúng mùa nước nổi) chở hàng hóa không rõ nguồn gốc từ các điểm tập kết ven đường biên lợi dụng đêm tối vào sâu nội địa, với số lượng rất lớn, giá trị cao. Điển hình, ngày 22/12, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng liên ngành vừa phát hiện một xe tải vận chuyển 16 tấn đường cát xuất xứ nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng từ tại thời điểm kiểm tra. Trước đó, ngày 17/12 lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang vừa liên tiếp phát hiện 3 xe ô tô tải vận chuyển số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài là những đồ ghia dụng, thực phẩm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh này đã phát hiện, bắt giữ gần 4.500 vụ buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, liên quan gần 170 đối tượng; tổng trị giá hàng hóa gần 11 tỷ đồng. Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng đối phó, chống trả lực lượng lực chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Còn tại Long An, từ đầu tháng 7-2021 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - tham nhũng - buôn lậu Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện, bắt giữ 288 vụ với tổng trị giá hàng hóa trên 3 tỷ đồng. Tang vật thu giữ gồm 721.600 bao thuốc lá ngoại các loại, 116,63 tấn và 158.526 chai thuốc bảo vệ thực vật, 18,25 tấn đường cát; xử phạt vi phạm hành chính 60 đối tượng thực hiện 55 vụ vận chuyển hàng lậu với số tiền gần 1,6 tỷ đồng, lập hồ sơ xử lý trách nhiệm hình sự 37 vụ, khởi tố 45 bị can.

Đáng chú ý, trong tháng 11-2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Cục Hải quan Long An) đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy thông qua phương tiện xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu này. Hai đối tượng người Campuchia đã điều khiển phương tiện, vận chuyển xoài nhập khẩu từ Cửa khẩu quốc tế Pray Vo sang Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, trong đó cất giấu 30 bánh heroin (10,481 kg) và 13,485 kg ma túy tổng hợp các loại.

Tại Tây Ninh, Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhân Dần tang cao, tập trung chủ yếu tại các khu vực đường mòn, lối mở hai bên cánh gà cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát. Đặc biệt là mặt hàng pháo, liên tiếp các vụ vận chuyển pháo trái phép đã bị lực lượng chức năng tỉnh này phát hiện, điển hình: ngày 19/12/2021, tại khu vực biên giới gần cột mốc 106/2 thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; Đồn Biên phòng cửa khẩu Tràng Riệc tuần tra, phát hiện nhóm 4 đối tượng lạ mặt đang vận chuyển 4 bao tải có chứa hàng từ Campuchia qua biên giới vào Việt Nam, thu giữ tang vật, gồm: 64 hộp pháo hoa (tổng trọng lượng là 100 kg) có xuất xứ Trung Quốc; 28/12/2021, Phòng Cảnh sát kinh tế bố trí lực lượng tại khu vực Cầu sắt tiếp giáp đường biên giới Campuchia thuộc ấp Đông Lợi, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh phục kích bắt quả tang đối tượng Huỳnh Văn Ánh đang điều khiển xe mô tô vận chuyển 140 kg pháo nổ, được ngụy trang trong 4 bao tải màu đỏ.

Những hàng hóa nhập lậu đưa trót lọt qua biên giới phần lớn được các đối tượng vận chuyển về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Chiều 15-12-2021, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận 12 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 12 - Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra nhiều kho chứa hàng trên địa bàn phường Tân Thới Hiệp, quận 12. Tại đây, tổ công tác phát hiện các kho hàng chứa hàng chục nghìn sản phẩm đồ gia dụng, mỹ phẩm, dụng cụ thể thao… không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Phối hợp ngăn chặn

Tại Kế hoạch 119/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (gọi tắt là Kế hoạch 119), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu khu vực Tây Nam (gồm An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh…) là một trong những địa bàn trọng điểm của cả nước cần tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thực hiện chỉ đạo này, các địa phương có đường biên giới Tây Nam đã vào cuộc quyết liệt. Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã lập kế hoạch Liên ngành phối hợp giữa các lực lượng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... Các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt với phía Campuchia để nắm bắt tất cả các đối tượng đầu nậu. Tỉnh còn phối hợp với lực lượng chức năng của các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An… bắt giữ, xử lý các đầu nậu, buôn lậu chuyên nghiệp, quyết tâm không để đầu nậu, hàng lậu trôi nổi trên địa bàn.

Còn tại Kiên Giang, Ban chỉ đạo 389 tỉnh này trực tiếp chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh thực hiện các kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong phòng, chống dịch Covid-19; kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.  Lực lượng Biên phòng của tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục “khóa chặt” các tuyến buôn lậu cả trên bộ và trên biển để phòng, chống hiệu quả nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong khi đó, Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh thông tin, trước tình trạng tội phạm ma túy vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Campuchia qua Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc đưa sang nước thứ 3, Hải quan Tây Ninh đã phối chặt chẽ với cơ quan chức năng các tỉnh Pray Veng, Tboung Khmum, Svay Rieng (Campuchia) trong việc trao đổi thông tin và xây dựng, triển khai các kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng nội địa kịp thời chủ động phát hiện, ngăn chặn các băng nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển mặt hàng cấm này qua địa bàn và qua tỉnh Long An để vào Việt Nam.

Tại TP.HCM, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 4049/KH-UBND về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp kiểm tra, xử lý các nhóm hàng hóa cấm kinh doanh, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; các nhóm mặt hàng thiết yếu liên quan đến sức khỏe con người…

Trong đó, ngoài việc quản lý tốt thị trường thành phố, cơ quan chức năng thuộc ban chỉ đạo 389 TP.HCM cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý chặt hướng biển; phối hợp với các tỉnh Tây Ninh, Long An… ngăn chặn hàng lậu theo đường bộ, đường thủy nội địa về thành phố Hồ Chí Minh.

Thu Trang (theo BCĐ 389)