» Tin tức » Chống hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm chính của lực lượng Quản lý thị trường.

Chống hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm chính của lực lượng Quản lý thị trường.

Ngày đăng: 13-11-2019

TT.CHG - Đây là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh tại các buổi họp chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước cũng như báo cáo với lãnh đạo cấp trên.

Trong thời gian qua, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi trên ngày càng tinh vi ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khi Việt Nam đang là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và đã tham gia đàm phán gia nhập hàng loạt những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, trong thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã có nhiều kế hoạch liên quan đến công tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhiều vụ việc triển khai và bước đầu đã mang lại thành công, điển hình như vụ lực lượng Quản lý thị trường đã bắt giữ tận xưởng đơn vị làm giả mặt hàng thời trang The North Face – một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ; truy quét các sản phẩm giả nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng tại chợ Ninh Hiệp, Hà Nội hay đột kích các tụ điểm kinh doanh hàng giả tại Chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Saigon Square ở thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuy nhiên những kết quả đó còn nhỏ so với yêu cầu của thị trường mà nguyên nhân chủ yếu đến từ khó khăn nội tại của công tác chống hàng giả. Công tác này đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường chưa xây dựng được hệ thống cơ sở báo tin dày dặn và chuyên nghiệp các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo. Đặc biệt, do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và nhận thức chưa đầy đủ của doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp rất chủ động phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, khi phát hiện hàng hóa bị làm giả thì sẽ ngay lập tức báo lại cho các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc kiểm tra xử lý. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại có tâm lý e ngại đề cập đến vấn đề này.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương - Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong thời gian tới, để có thể hạn chế và đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng Quản lý thị trường cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cần đổi mới cách thức, phương thức quản lý thị trường, tập trung đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, chọn những khâu cơ bản trong hệ thống để đánh thẳng. Để làm được điều đó theo Bộ trưởng cần có kế hoạch tổng thể làm việc với từng đơn vị chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chia sẻ dữ liệu thông tin với các đơn vị như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan hay Tổng cục Thuế…

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng cần rà soát, đánh giá lại hoạt động công vụ; rà soát, kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập,chồng chéo; tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến kiến thức cho các công chức thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, cần nghiên cứu lại đặc điểm, tổ chức bộ máy, đặc thù trong lực lượng quản lý thị trường để tìm ra các sở trường, sở đoản. Đưa ra những phương thức mới trong hoạt động quản lý thị trường để đảm bảo được hiệu quả trong công tác đấu tranh chống hàng giả.

 

PHẠM BÌNH (Theo BCĐ 389)