» Tin tức » Còn nhiều khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Còn nhiều khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Ngày đăng: 31-05-2023

TT.CHG - Báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cho thấy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể: Về chính sách pháp luật chưa đồng bộ, còn những bất cập chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đơn cử như: Chưa có hướng dẫn, giải thích chi tiết khái niệm quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2022: “vi phạm hành chính nghiêm trọng, “vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc hàng hóa lớn”, “có nhiều tình tiết phức tạp”; Chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể  về việc xác định số thu lợi bất hợp pháp nên việc xử lý vi phạm hành chính hiện nay đang rất khó khăn.

Bất cập trong qui định liên quan về thời gian, thời hạn xử phạt hành chính (VPHC) như: Thời hạn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày lập Biên bản vi phạm hành chính ngắn (07 hoặc 10 ngày), nhất là đối với những hành vi vi phạm vượt thẩm quyền xử phạt phải chuyển hồ sơ. Thời gian tạm giữ ngắn (07 ngày) trong khi việc lấy mẫu hàng hoá đi kiểm nghiệm dài (thường phải mất 23 ngày). Vì vậy trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý, bảo quản hàng hóa tạm giữ. Thời gian chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo phân định thẩm quyền: Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý VPHC quy định: "Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.

Thời hạn 24 giờ phải chuyển biên bản VPHC cho người có thẩm quyền xử phạt gây khó cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là những vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND, quy trình xem xét hồ sơ, xác minh thêm các tình tiết có liên quan để phục vụ việc xử phạt vi phạm hành chính đòi hỏi nhiều thời gian; trình tự, thủ tục trình, đặc biệt là những vụ vi phạm hành chính xảy ra vào cuối ngày làm việc thì không đảm bảo thực hiện quy định chuyển trong thời hạn 24h (vì thời hạn trình trùng với nghỉ Thứ 7, Chủ nhật, các cơ quan hành chính không làm việc, không tiếp nhận hồ sơ). Do vậy, quy định trong thời hạn 24 giờ phải chuyển biên bản VPHC đến người có thẩm quyền phạt là không khả thi trên thực tế.

 Theo quy định  tại khoản 3, Điều 60, Luật xử lý VPHC năm 2012: “Thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ”  đã được thay thế thành không quá 48 giờ tại điểm đ, khoản 73, Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 nhưng thời hạn 48 giờ để vừa thành lập hội đồng định giá và xác định được giá trị của hàng hóa là khó thực hiện.

 Quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm: Qui định về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:  Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC là việc sung vào ngân sách Nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến VPHC, được áp dụng đối với VPHC nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Việc chứng minh do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức là rất khó.

Quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính và biểu mẫu áp dụng biện pháp ngăn chặn quy định tại Nghị định 118/2021/NĐ-CP dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau trong các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Có cơ quan khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì thực hiện tạm giữ tang vật, phương tiện để xác minh làm căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính; có cơ quan thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính trước rồi mới tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện…

Quy định bắt buộc phải niêm phong tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ thiếu tính thực tế, Khoản 5b Điều 126 Luật Xử lý VPHC quy định: “Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây: a) Động vật, thực vật sống; b) Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật”. Việc quy định bắt buộc phải niêm phong đối với tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt đối với các tang vật cồng kềnh, khó niêm phong, khó bảo quản; thêm thủ tục, kéo dài (làm phức tạp) quy trình xử lý đối với 01 vụ VPHC.

Qui định "giá thị trường" để xác định giá trị tang vật, phương tiện VPHC để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt còn chưa cụ thể. Điểm b khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý VPHC quy định một trong những căn cứ xác định giá trị tang vật phương tiện VPHC là "trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính". Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là "giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm" bởi trên thị trường tại địa phương nơi xảy vi phạm, cùng một loại sản phẩm, hàng hóa tương tự với tang vật, phương tiện VPHC nhưng do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối lại có các mức giá khác nhau, điều này khiến cho cơ quan chức năng lúng túng về xác định giá trị tang vật, phương tiện VPHC để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; Căn cứ điểm a khoản 3 điều 12 của Thông tư 57/2018/TT-BTC thì Giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính là giá khởi điểm để tổ chức đấu giá. Việc áp dụng giá khởi điểm để bán đấu giá theo giá niêm yết và giá thị trường để tổ chức bán đấu giá là không phù hợp vì giá niêm yết là giá bán lẻ cho người tiêu dùng, còn giá khởi điểm để thực hiện việc bán đấu giá cho đối tượng là tổ chức hoặc cá nhân mua về để bán lại cho người tiêu dùng.

Thiếu thống nhất trong qui đinh, ban hành biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính: Một số biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP còn bất cập, chưa thống nhất với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính nên trong quá trình áp dụng còn chưa phù hợp. Cụ thể như: Tại Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: “Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hóa, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến”.  Tuy nhiên, tại mẫu biên bản tịch thu ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì lại không có nội dung ghi thông tin về người chứng kiến.

 Tại Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28/9/2017) có quy định các Biểu mẫu kèm theo không đồng nhất với các biểu mẫu được quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Từ đó gây khó khăn trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm hành chính về chất lượng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương còn nêu nhiều khó khăn khác như: Lực lượng cán bộ trực tiếp tham gia công tác thanh tra, kiểm tra đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn mỏng, các điều kiện về phương tiện và các trang thiết bị, công cụ còn lạc hậu,  Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, công cụ hỗ trợ cho hoạt động kiểm tra, xử lý (test nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm, test nhanh xăng dầu…) của các lực lượng chức năng còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ, trong khi phương thức, thủ đoạn hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, phương tiện sử dụng hiện đại, hoạt động dưới hình thức mua bán hàng hóa thông qua giao dịch điện tử, mạng Internet và gửi nhận hàng qua bưu điện gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, kiểm tra, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng.

Sự phối hợp của các doanh nghiệp với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế. Phần lớn Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo các địa phương được bố trí tại Cục Quản lý thị trường, việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các sở/ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 với Cơ quan Thường trực còn rất nhiều hạn chế, trong khi Bộ phận giúp việc và các cơ quan thành viên đa số là kiêm nhiệm, gây khó khăn rất lớn trong công tác tổng hợp, báo cáo và tham mưu triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn thống nhất về quy trình, trình tự, thủ tục hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo 389 nên công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm của đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 taị địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Trịnh Thị Hà (theo BCĐ 389)