Ngày đăng: 16-04-2025
TT.CHG - Theo các chuyên gia, để đối phó với hàng giả, hàng nhái trên thị trường, công nghệ truy xuất nguồn gốc được xem là tối ưu trong bối cảnh hiện nay.
Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi hơn
Trước thực trạng đáng báo động này, các chuyên gia tại hội thảo nhấn mạnh vai trò then chốt của truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong công cuộc chuyển đổi số, không chỉ là công cụ giúp minh bạch chuỗi cung ứng mà còn là “lá chắn” công nghệ giúp bảo vệ thương hiệu, người tiêu dùng và thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Văn Khôi – đại diện ACTIV cho biết, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ như blockchain, mã QR động, tem điện tử tích hợp dữ liệu truy xuất đang trở thành xu hướng tất yếu, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết hàng chính hãng chỉ bằng một thao tác quét đơn giản trên điện thoại thông minh. Đồng thời, đây cũng là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp xây dựng niềm tin và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Các ý kiến tại hội thảo cũng kiến nghị tăng cường vai trò phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đơn vị công nghệ để xây dựng hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc đồng bộ – góp phần hiện thực hóa mục tiêu số hóa nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quang cảnh hội thảo khoa học. Ảnh: BTC
Ông Trần Bá Dương nhấn mạnh, việc chống hàng giả không còn đơn thuần là trách nhiệm riêng của lực lượng quản lý thị trường, mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức công nghệ. Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, các giải pháp truy xuất nguồn gốc sử dụng công nghệ cao như blockchain, AI, dữ liệu lớn (big data) cần được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ hơn để nhận diện, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.
Ông cũng đề xuất, Chính phủ nên xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung về sản phẩm, doanh nghiệp uy tín và các vụ vi phạm để tạo ra một hệ thống kiểm tra chéo minh bạch, có thể tích hợp với các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và hệ thống bán lẻ hiện đại. “Muốn chống hàng giả hiệu quả, chúng ta cần lấy công nghệ làm gốc, dữ liệu làm nền, và sự đồng lòng của toàn xã hội làm sức mạnh, khi đó mới có thể bảo vệ được thương hiệu Việt và lòng tin người tiêu dùng”, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh.
“Tình trạng làm giả hiện nay không chỉ là sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Những phương pháp truyền thống (tem nhãn, mã vạch đơn thuần) không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR. Chúng ta cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa”, ông Dương đánh giá.
Tiến sĩ Bùi Văn Quyền - Viện trưởng Viện Chống gian lận thương mại và hàng giả Việt Nam - cũng cho rằng, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã được đề cập và thực thi suốt 30 năm nay nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
“Chúng ta cần phải làm rõ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là sự mong muốn của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp sản xuất cần phải minh bạch thông tin trong tất cả các khâu từ nguyên liệu vùng trồng, tiêu chuẩn đo lường, sở hữu trí tuệ...”, ông Quyền nêu và đề xuất cần phải có chế tài mạnh hơn nữa để răn đe các đối tượng sản xuất hàng, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng giải pháp công nghệ mới.
Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa được ban hành xác định rõ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược mới của đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Đây là định hướng mang tính nền tảng và cấp thiết, tạo hành lang chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào giải quyết các bài toán lớn.
Các chuyên gia, nhà quản lý tại buổi hội thảo. Ảnh: BTC
Theo ông Trịnh Bá Dương, ở các nước trên thế giới, "bài toán" truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả, hàng nhái mô hình kết hợp ba công nghệ: RFID - Blockchain - AI được xem hoàn hảo và một số nước khu vực Đông Nam Á đã sử dụng rất hiệu quả.
“Thái Lan đã bắt đầu ứng dụng RFID kết hợp Blockchain trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, giúp theo dõi toàn bộ hành trình trái cây từ vườn đến cửa khẩu. Singapore đang triển khai nền tảng dùng AI để giám sát chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng. Ở Việt Nam, chúng ta đã có những doanh nghiệp tiên phong trong ngành dược và nông sản áp dụng RFID và truy xuất số hóa, tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành”, ông Dương lấy ví dụ.
Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) cho biết, cả nước đang thực hiện chương trình chuyển đổi số với 3 mục tiêu cơ bản là phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển Kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT ACTIV. Ảnh: BTC
Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đang trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong tiến trình hội nhập và mở rộng xuất khẩu.
Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các quốc gia và đối tác thương mại đều đặt ra yêu cầu cụ thể về truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm phục vụ việc xác định thuế suất và kiểm soát chất lượng hàng hóa. Với Việt Nam, để hàng hóa duy trì được vị thế và mở rộng chinh phục các thị trường mới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc là yêu cầu mang tính sống còn.
Ông Phạm Văn Thọ – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Chống giả Việt Nam (ACTIV) – nhấn mạnh: “Nếu doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn, bắt buộc phải đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng, mẫu mã, giá cả... Quan trọng hơn cả là phải có giải pháp công nghệ hiệu quả để đưa hàng thật đến tận tay người tiêu dùng. Chỉ khi đó, niềm tin của thị trường mới được giữ vững và khách hàng sẽ không quay lưng lại với sản phẩm của chính doanh nghiệp mình.”
Tại hội thảo, Công ty ACTIV đã giới thiệu ứng dụng "True Data" - một trong những là giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bằng công nghệ tiên tiến với vật mang dữ liệu là chip RFID, chíp lưu được thông tin các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh, gồm: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn và giải pháp có tính năng kết nối cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Đồng Lê
Theo Congthuong.vn