» Tin tức » Nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại để có kế hoạch đấu tranh cụ thể

Nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại để có kế hoạch đấu tranh cụ thể

Ngày đăng: 19-03-2022

TT.CHG - Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, các đối tượng tìm mọi cách buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa phòng chống dịch nhằm thu lợi bất chính… Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải đã trả lời báo chí về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong giai đoạn này.

Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải. Ảnh: T.Tr

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc áp dụng quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 (theo Nghị quyết 128/NĐ-CP) sẽ tác động như thế nào đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải phân tích:

Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhưng cơ bản đã được kiểm soát với số ca tử vong giảm mạnh, đặc biệt là độ bao phủ văcxin tại Việt Nam thuộc top đầu thế giới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; theo đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, XNC, XNK hoạt động bình thường trở lại, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, đường mòn, lối mở, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Bên cạnh đó, nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, bánh kẹo… nhất là vào dịp lễ, tết; các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động và ngày càng tinh vi, đặc biệt là trà trộn, cất giấu các mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng nhập khẩu có điều kiện qua cửa khẩu.

Trong thị trường nội địa hàng giả, hàng nhái từ các mặt hàng tiêu dùng thông thường đến hàng tiêu dùng cao cấp diễn ra với nhiều chiêu thức khác nhau với xu hướng ngày càng phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn đến hoạt động thương mại điện tử, mua bán online, mua bán qua mạng xã hội và qua phương thức chuyển phát nhanh, bưu kiện… phát triển mạnh mẽ. Đây là một trong những hoạt động kinh doanh, mua bán, vận chuyển hàng hóa mà các đối tượng lợi dụng để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa trái phép, không đảm bảo chất lượng, trà trộn hàng giả và hàng thật, hàng kém chất lượng diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Với câu hỏi: Hiện số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước tăng dột biến, nhu cầu sử dụng kit test nhanh, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19… tăng cao. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng tìm mọi cách buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa nhằm thu lợi bất chính. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng chức năng cần làm gì?

Ông Lê Thanh Hải cho biết, những ngày cuối tháng 2/2022 và đầu tháng 3 này, số ca nhiễm mới Covid-19 tăng đột biến trên địa bàn cả nước khiến nhu cầu sử dụng kit test nhanh Covid-19, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19… cũng tăng theo khiến cho mặt hàng này trong nước rơi vào tình trạng cung không đủ cầu, từ đó dẫn đến giá sản phẩm kit test nhanh Covid-19 trên thị trường tăng không ngừng, thậm chí khan hiếm.

Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, trước tiên, ở khu vực biên giới, các lực lượng chức năng (Biên phòng, Hải quan, Công an) cần phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa; hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các mặt hàng có liên quan đến phòng chống dịch Covid-19; áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro để kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu các mặt hàng này tại cửa khẩu, không để xảy ra hiện tượng gian lận thương mại (gian lận về số lượng, chủng loại, khai sai tên hàng…) để trục lợi.

Trong nội địa, lực lượng quản lý thị trường các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh các mặt hàng phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, khi lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định; các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này phải công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại C, D (sản phẩm trang thiết bị y tế cần làm thủ tục đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường) nhằm chống việc một số đối tượng lợi dụng tiêu thụ mặt hàng này thông qua hành vi buôn lậu. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp phân phối, bán lẻ không thực hiện việc niêm yết giá, hoặc có hành vi gom hàng tăng giá bất hợp lý, lũng đoạn thị trường.

Cơ quan y tế cần tăng cường nguồn lực, quy định cụ thể cho các tổ chức y tế cơ sở để họ có đủ điều kiện phục vụ người dân khi có nhu cầu cần hỗ trợ test nhanh covid-19. Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền về công khai giá đối với mặt hàng kit test nhanh Covid-19; phổ biến các quy định cụ thể về quy trình sử dụng kit test nhanh Covid-19 hiệu quả, tiết kiệm tại nhà, tránh tâm lý hoang mang, lãng phí không cần thiết làm cho người dân yên tâm, không tạo kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng bán mặt hàng này để trục lợi.

Trả lời câu hỏi: Trong bối cảnh dịch bệnh nhưng tình hình buộn lậu, gian lận thương mại vẫn hết sức phức tạp. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia triển khai những giải pháp gì trong năm 2022?

Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết: Trên cơ sở kết quả công tác năm 2021và dự báo tình hình thời gian tới, Văn phòng Thường trực đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, sỹ quan thuộc các lực lượng chức năng, xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác.

Thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh cụ thể, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử nhằm thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tiếp tục nghiên cứu, phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định của pháp luật còn bất cập, sơ hở, mà các đối tượng có thể lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình mới.

Đồng thời, các lực lượng chức năng làm tốt công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, tăng cường giám sát bằng camera, nhất là tại các đường mòn, lối mở biên giới, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, triệt phá tận gốc, tập chung vào các đường dây, ổ nhóm, xác định không có vùng cấm trong công tác này.

Chủ động phối hợp chia sẻ thông tin, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa… phát hiện, xử lý kịp thời các lô hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và chính sách ưu đãi mà các nước dành cho Việt Nam thông qua các Hiệp định FTA thế hệ mới.

Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền; quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý…

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động theo dõi, đôn đốc trong việc thực hiện các kế hoạch chuyên đề trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ban hành và việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Trả lời câu hỏi về vai trò cơ quan điều phối các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2022 Văn phòng thường trực sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào và kế hoạch nào?

Ông Lê Thanh Hải cho biết: Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, với phương châm chủ động tham mưu theo chuyên đề, kế hoạch; phát huy kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2021, Văn phòng Thường trực xác định một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là:

Tiếp tục tham mưu triển khai, đôn đốc, kiểm tra việcthực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tường Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chông buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015; Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30/9/2014; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/06/2018; Công điện 229/CĐ-BCĐ389 ngày 15/06/2018 và các Kế hoạch chuyên đề khác).

Làm tốt công tác đánh giá, nhận diện, dự báo những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức thủ đoạn mới, lĩnh vực, tuyến, địa bàn phức tạp để tham mưu đề xuất, ban hành các phương án, kế hoạch, kiểm tra xử lý kịp thời.

Làm tốt công tác tổng hợp nhằm tham mưu lãnh đạo Ban xây dựng kế hoạch chuyên đề mới sát với tình hình thực tiễn, trước mắt tập chung xây dựng 2 kế hoạch chuyên đề: Kế hoạch tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến đường bộ; Kế hoạch tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến hàng không.

Tiếp tục rà soát khó khăn, vướng mắc (về cơ chế, quan hệ phối hợp và khó khăn vướng mắc khác) để kiến nghị cơ quan, cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, cơ quan truyền thông để kịp thời tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức và nội dung tuyên truyền.

Thu Trang (theo BCĐ 389)