» Tin tức » Nhận diện và đấu tranh với những hành vi gian lận mới trong thị trường nội địa

Nhận diện và đấu tranh với những hành vi gian lận mới trong thị trường nội địa

Ngày đăng: 16-09-2020

TT.CHG - Trao đổi về một số chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và một số vụ việc bắt giữ thời gian qua, sáng ngày 15/9/2020 lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có buổi làm việc, trao đổi công tác phối hợp với Lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường (QLTT) để triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, với vai trò là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh, lực lượng QLTT các địa phương đã tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường đã được Cục QLTT các địa phương chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm như các vụ việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, thực phẩm chức năng, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng...

Đáng chú ý, thời gian gần đây, Tổng cục QLTT đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, nổi cộm, tấn công, triệt phá các đường dây ổ nhóm như: xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai; kiểm tra tạm giữ hàng chục nghìn xuất bản phẩm và sách giáo khoa không rõ nguồn gốc tại Hà Nội; tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm nóng và kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, Quận Hoàn Kiếm... Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Riêng tháng 8/2020, lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc, trong đó có một số vụ việc điển hình như: phát hiện 1.325 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại Lạng Sơn; phát hiện 2.243 sản phẩm mỹ phẩm không ghi tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa tại Long An; phát hiện 24 tấn nội tạng lợn bị nhiễm vi khuẩn dịch tả lợn Châu Phi tại Hải phòng; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế Bình Dương...

Dự báo trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, khó lường, để góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội thời điểm cuối năm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT cả nước định hướng công tác trọng tâm như:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đồng thời, quyết liệt triển khai và hoàn thành tốt các Kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ, các chuyên đề về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020. Chủ động, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; chú trọng rà soát, kiểm tra các mặt hàng thường bị nhập lậu như: rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng,...

Đặc biệt, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường cho biết, hiện lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung triển khai 3 chuyên đề trọng điểm trong công tác chống buôn lậu và gian lận thuopwng mại, đó là chuyên đề: lợi dụng hoạt động thương mại điện tử kinh doanh hàng lậu, hàng giả;  hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Lợi dụng hoạt động bưu chính để vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia- Đàm Thanh Thế đánh giá, thời gian qua, Tổng cục QLTT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các lĩnh vực hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả chống dịch bệnh,  thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trong nội địa... Qua đó, đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn đồng thời nhận diện được những hành vi gian lận thương mại.

Tại các quận, huyện, lực lượng QLTT trên địa bàn duy trì phối hợp chặt chẽ với các ngành như: phối hợp liên ngành trong kiểm tra khoáng sản; phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện kiểm tra về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm tra về lĩnh vực giá, chất lượng hàng hóa, kiểm tra về kinh doanh hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng hàng giả; chú trọng việc đưa các bản tin, chuyên mục về tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời công khai các kết quả điều tra, xử lý vụ án trọng điểm, tên địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, cố tình tái phạm nhiều lần nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Công tác tuyên truyền trong thời gian qua đã thực sự tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thương mại của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần hạn chế các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng... qua đó, góp phần nâng cao vai trò của lực lượng QLTT.

Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng quản lý thị trường cần có những tập hợp, nhận diện và báo cáo những những hành vi gian lận, từ đó đưa ra được những thủ đoạn mới và chia sẻ, phối hợp với các cơ quan chức năng để công tác chống  buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng tại buổi làm việc, đoàn làm việc của Văn phòng thường trực cũng đã lắng nghe Tổng cục quản lý thị trường báo cáo kết quả, tiến độ triển khai chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia tại một số văn bản của Văn phòng Chính phủ về một số vụ việc: vụ việc bày bán, tàng trữ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Quảng Ninh; việc kiểm tra, xử lý của lực lượng quản lý thị trường tại Công ty TNHH sản xuất thương mại và thiết bị Quốc Bảo tỉnh Bắc Ninh; việc kiểm tra, xử lý kho hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tại TP.Lào Cai...

Chánh Văn Phòng thường trực- Đàm Thanh thế đã trao thư khen của Phó Thủ tướng, Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trương Hòa Bình cho Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh Văn Phòng thường trực- Đàm Thanh thế đã trao thư khen của Phó Thủ tướng Thường trực- Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trương Hòa Bình cho Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phối hợp phát hiện, kiểm tra, xử lý kho hàng hóa ở Lào Cai.

Tại thư khen, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương thành tích xuất sắc nêu trên của Tổng cục quản lý thị trường và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; thành tích này đã góp phần tích cực trong thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Được biết, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/8/2020, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 56.090 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 177.7 tỷ đồng. Riêng tháng 8/2020, phát hiện, xử lý là 11. 302 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước là trên 16,4 tỷ đồng.

Được biết, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/8/2020, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 56.090 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 177.7 tỷ đồng. Riêng tháng 8/2020, phát hiện, xử lý là 11. 302 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước là trên 16,4 tỷ đồng.
Thu Trang (theo BCĐ 389)