» Tin tức » Phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả, thu giữ hàng chục nghìn lọ thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội

Phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả, thu giữ hàng chục nghìn lọ thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội

Ngày đăng: 05-06-2023

TT.CHG - Ngày 1/6, Cục QLTT TP Hà Nội thông tin, Quản lý thị trường Hà Nội vừa phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ phát hiện tại một cơ sở tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội đang sản xuất thực phẩm chức năng giả, thu giữ 12.000 lọ thực phẩm chức năng giả.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số tang vật vụ việc. Ảnh: Công an TP Hà Nội

Theo đó, ngày 1/6, kiểm tra tại địa điểm trên, lực lượng chức năng phát hiên 4 công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được đựng trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác với số lượng viên được định lượng trước.

Tiếp theo đó, các công nhân sử dụng máy khò nhiệt và máy ép nhiệt dán các nhãn mác được in sẵn của các nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collggen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA ….lên phía ngoài vỏ hộp. Bước cuối cùng, một tem chống hàng giả sẽ được dán sau cùng. Và sản phẩm sẽ được nằm ở vị trí chờ để sẵn sàng tới tay người tiêu dùng.

Tại thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, ngoài các công nhân đang làm việc, chủ cơ sở không có mặt tại hiện trường. Bất ngờ khi lực lượng chức năng xuất hiện, một người trong nhóm công nhân đang làm việc ở đây cho biết mới được thuê đến để thực hiện các công việc trên và chưa được chủ cơ sở trả lương.

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở có gần 12.000 lọ/ hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Đáng chú ý, mặc dù được cho sản xuất và đóng gói tại địa điểm này, tuy nhiên phía bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhận khẩu Lady cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH thương mại Tavuco Việt Nam....

Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, lực lượng chức năng còn ghi nhận tại cơ sở kinh doanh chứa 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67 kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại cùng 01 chiếc máy khò nhiệt và 01 chiếc máy ép nhiệt đã qua sử dụng nhãn có chữ nước ngoài.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá theo quy định; không xác định được có kinh doanh trên thương mại điện tử; có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm; Giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm.

Ngày 1/6, Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP. Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc có dấu hiệu hình sự tại cơ sở này đến Công an huyện Chương Mỹ để xử lý theo quy định.

Nguyễn Mạnh Hùng (theo BCĐ 389)