» Tin tức » Sẽ có nhiều biện pháp chống xói mòn thuế

Sẽ có nhiều biện pháp chống xói mòn thuế

Ngày đăng: 22-07-2019

TT.CHG - Một trong những quy định mới trong Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH19 (Luật sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đó là bổ sung các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế và hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá.

 Luật quy định nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro trong tất cả các khâu quản lý thuế, đặc biệt là trong thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở đó, nội dung thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo kết quả đánh giá rủi ro và thanh tra, kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Quy định rõ nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, các trường hợp xử phạt, các trường hợp không bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, vừa phù hợp với Luật thanh tra, vừa đảm bảo phù hợp với nội dung quản lý thuế.

Bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong kê khai, nộp thuế và quản lý thuế đối với nhóm người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết, như:  nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết;  áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp; (iii) nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Luật sửa đổi phạm vi điều chỉnh, đảm bảo bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý thuế. Một số nội dung cơ bản như: Bổ sung nội dung người nộp thuế không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Quy định này tạo điều kiện cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan thuế khi thực thi công vụ.

Bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong quản lý thuế; Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế. Một số Bộ, ngành có liên quan phối hợp thực hiện quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành (những nhiệm vụ, quyền hạn có tính chất đặc thù của Bộ trong việc quản lý thuế, không phải công việc thường xuyên đã được quy định tại văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ) gồm: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y Tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Quy định nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước trong công tác quản lý thuế. Theo đó, cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, thanh tra; quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản... theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế; đồng thời bổ sung quy định việc khấu trừ, nộp thay tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; cung cấp thông tin để quản lý thuế phù hợp với việc quản lý thuế theo phương thức điện tử, đồng bộ trong phát triển Chính phủ điện tử và đảm bảo phù hợp với pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng.

Bổ sung nội dung quy định các biện pháp hỗ trợ thu thuế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, đối với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ trong việc đàm phán ký kết; đối với thoả thuận song phương giữa hai cơ quan thuế (cả cơ quan thuế và hải quan), tuỳ theo thẩm quyền được phân cấp, cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện việc khai thác, trao đổi thông tin, hợp tác nghiệp vụ, hỗ trợ thu thuế cho phù hợp.

T.Lan (theo BCĐ 389)