» Tin tức » Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong chống buôn lậu xăng dầu

Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong chống buôn lậu xăng dầu

Ngày đăng: 11-08-2022

TT.CHG - Trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn chặn vấn nạn này… Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Trịnh Mạnh Cường đã trả lời báo chí về nội dung này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra trong thời gian vừa qua?

Ông Trịnh Mạnh Cường: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, chiến tranh giữa hai quốc gia Nga – Ukraina… đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh cung ứng xăng dầu trong nước có nhiều biến động, giá thành xăng dầu có nhiều biến động. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (BL, GLTM) vận chuyển, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng trên địa bàn các tỉnh và trên các vùng biển Việt Nam có chiều hướng diễn biến phức tạp với số vụ, số đối tượng, số lượng xăng dầu ngày càng tăng.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng thuộc các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công thương, Khoa học và công nghệ và các Địa phương đã tích cực, chủ động nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ khởi tố, điều tra, xử lý các vụ việc, các phương tiện là tàu thuyền chuyên dụng, tàu cá cải hoán vận chuyển buôn lậu xăng dầu, cơ sở sản xuất dầu DO, dầu nhớt giả, kém chất lượng, hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm trục lợi cùng nhiều đối tượng liên quan với số lượng lớn xăng dầu vi phạm, phát mại tài sản tịch thu và xử phạt VPHC thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Điển hình ngày 2/1/2022, tại Hải Phòng lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ phương tiện vận chuyển 170 nghìn lít xăng dầu không có giấy tờ hợp pháp; ngày 03/3/2022 tại TP. Hồ Chí Minh lực lượng Công an phối hợp với Hải quan và Bộ đội Biên phòng bắt giữ 2 tàu chở khoảng 500 nghìn lít dầu không có chứng từ và nguồn gốc xuất xứ hợp pháp; ngày 6/3/2022 tại tỉnh Đồng Nai công an tỉnh  phối hợp với điều tra hình sự bộ Quốc phòng tiến hành bắt giữ, khởi tố, điều tra đường dây sản xuất dầu nhớt giả với số lượng quy mô rất lớn; ngày 23/3/2022 Công an tỉnh Nghệ An lập Chuyên án 322X bắt giữ tàu chuyên dụng vận chuyển trên 1 triệu lít xăng không rõ nguồn gốc xuất xứ). Đối tượng tham gia đa dạng, đa thành phần, cư trú trên phạm vi địa bàn nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khép kín, hoạt động BL, GLTM, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước trong quản lý, sản xuất, kinh doanh xăng dầu, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng và tiến trình phục hồi kinh tế- xã hội của Chính phủ, tác động đến công tác hoạch định phát triển kinh tế đất nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh năng lượng của Quốc gia.

Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Trịnh Mạnh Cường trả lời phỏng vấn. Ảnh: T.Tr

PV: Nguyên nhân nào khiến cho nạn buôn lậu xăng dầu vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong thời gian gần đây, thưa ông?

Ông Trịnh Mạnh Cường: Nguyên nhân chính là do nghành lọc dầu trong nước có thời điểm chưa đáp ứng kịp một phần nhu cầu trong nước khi kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch Covid-19, bối cảnh tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến do tác động trực tiếp của chiến tranh giữa Nga - Ukraina, cơ chế chính sách về các loại thuế, phí và các khoản trích nộp theo quy định của pháp luật đang được điều chỉnh... từ đó có sự chênh lệch về giá so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam (có thời điểm giá xăng dầu thấp hơn so với Campuchia, Lào...); công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng chưa có sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất cao. Đây là những kẽ hở để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng hoạt động diễn biến phức tạp.

Một nguyên nhân nữa đó là buôn lậu xăng dầu mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu sẵng sàng đầu tư trang thiếu bị, bất chấp mọi điều kiện để thực hiện hành vi buôn lậu xăng dầu.   

PV:  Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống buôn lậu xăng dầu là gì?

Ông Trịnh Mạnh Cường: Do điều kiện địa hình tuyến biên giới biển rất dài, nhu cầu mua dầu để sử dụng ngay trên biển của tàu cá Việt Nam là rất lớn, đây là điều kiện để hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, sang mạn xăng dầu của tàu nước ngoài bán dầu lậu cho tàu Việt Nam ngay trên biển ở những vùng biển giáp ranh, chồng lấn và vùng biển xa để phục vụ việc đánh bắt hải sản hoặc đưa vào đất liền tiêu thụ; lợi dụng vào kiểm tra không thường xuyên của các ngành chức năng, nhất là kiểm định sản phẩm, một số doanh nghiệp đã sản xuất ra loại xăng dầu có tiêu chuẩn thấp hơn với quy chuẩn công bố; lợi dụng tác dụng của các chất dung môi có giá thành thấp, quản lý chưa chặt chẽ, sử dụng pha trộn vào xăng quy chuẩn để tạo ra loại xăng mới có chỉ số RON thấp hơn quy chuẩn nhưng động cơ vẫn hoạt động được để bán thu lợi nhuận bất chính

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp và đáp ứng với tình hình thực tiễn.

Hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, làm giả xăng dầu đã có những chuyển biến, được thể hiện  thực tiễn đang diễn ra; công tác kiểm soát thị trường và áp dụng các biện pháp giám sát các hoạt động kinh doanh xăng dầu đã được triển khai bước đầu có hiệu quả, nhưng các hoạt động kinh doanh trái phép, sử dụng dung môi pha chế xăng dầu kém chất lượng vẫn còn diễn ra; việc quản lý các hoạt động kinh doanh các chất dung môi không được phép pha chế xăng, nhưng có công dụng để pha chế xăng kém chất lượng vẫn còn nhiều bất cập và chưa chặt chẽ.

PV: Từ thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trên, theo ông những giải pháp đồng bộ nào của các cơ quan quản lý Nhà nước cần được triển khai trong thời gian tới để công tác đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu đạt được hiệu quả tốt nhất?

Ông Trịnh Mạnh Cường: Dự báo tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước ngày càng tăng, trong ngắn hạn nước ta vẫn phải nhập khẩu xăng dầu hàng chục triệu tấn mỗi năm. Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng BL, GLTM, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng trên các địa bàn nội địa, vùng biển, luồng cảng biển Quốc tế... và hạn chế tối đa những kẽ hở không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi trái pháp luật, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn phòng Thường trực) đã nhận định tình hình và tham mưu đề xuất với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành công văn 2310/VPCP- V.I chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước và Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 ngày 14/6/2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu và các văn bản liên quan.

Đồng thời, chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, lưu kho, phân phối, lưu thông mặt hàng xăng dầu (các hoạt động dễ bị lợi dụng nhằm trục lợi); tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm trong nội địa và trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng, nhất là các đơn vị có thẩm quyền cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận đo lường, không bảo đảm chất lượng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá nhằm trục lợi. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động Nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.

Thu Trang (theo BCĐ 389)