» Tin tức » Thủ tướng kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội: “Phòng chống dịch như chống giặc”

Thủ tướng kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội: “Phòng chống dịch như chống giặc”

Ngày đăng: 20-05-2019

TT.CHG - Sáng qua (19/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến trang trại lợn ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh để kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đây là một trong những địa phương có số lượng lợn bị tiêu hủy lớn nhất của Hà Nội. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội, huyện Đông Anh và các hộ chăn nuôi lợn.

 

Thủ tướng kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội: “Phòng chống dịch như chống giặc”

Thủ tướng kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi ở Đông Anh. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho biết, sau khi thị sát thực tế tại hộ chăn nuôi lợn tại Đông Anh, “thì thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP. Hà Nội, huyện Đông Anh, người dân đã chủ động triển khai phòng, dập DTLCP”. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, do đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam với 2,5 triệu hộ nuôi lợn và do đặc điểm của bệnh (chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh, virus có sức đề kháng cao, sống lâu, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát), cho nên, đến nay, 34 tỉnh, TP bị thiệt hại với 5% tổng đàn. 

Thủ tướng lưu ý cảnh báo của FAO (Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) cho biết, DTLCP có thể kéo dài. Ở các nước lân cận, cũng bị thiệt hại rất lớn. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương: Phòng chống dịch như chống giặc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống DTLCP. Cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.

Thủ tướng yêu cầu cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm tình hình, không chủ quan, lơ là. Rà soát các văn bản cần thiết để điều chỉnh, bổ sung, trình Chính phủ để việc giải quyết sát thực tế, khả thi hơn, bảo đảm chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, cho ngành nông nghiệp.

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, tại địa phương này đã xuất hiện DTLCP. Đây là địa phương đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long có DTLCP.

Ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Hậu Giang cho biết, một ổ dịch ở xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A) và xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy). Trong đó, ở xã Nhơn Nghĩa A xảy ra trong tháng 4, còn ở Vĩnh Xuân thì được phát hiện vào ngày 5/5 vừa qua.Tổng cộng 68 con lợn (heo) được phát hiện dương tính với DTLCP. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch.

Còn tại tỉnh Điện Biên, tính đến ngày 19/5, bệnh dịch đã xuất hiện tại 1.600 hộ, ở 287 thôn bản của 56 xã, phường thuộc 7 huyện, thị, thành phố như: Huyện Điện Biên, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Thành phố Điện Biên Phủ...Tổng số lợn được tiêu hủy hơn 4.500 con với trọng lượng gần 170 tấn. Hiện bệnh DTLCP không xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mà còn xuất hiện tại những trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô lớn.

Trong khi đó, việc xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại gia đình ông Đặng Văn Đoàn ở tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là địa phương thứ 29 trên cả nước xuất hiện DTLCP. Tổng số đàn lợn 55 con của gia đình ông Đoàn đã có kết quả dương tính khi tiến hành xét nghiệm với DTLCP.

Trước đó, Quảng Nam cũng đã có DTLCP khi một đàn lợn 22 con có dấu hiệu bỏ ăn, thân nhiệt cao và bắt đầu chết rải rác. Ngay sau khi phát hiện, chính quyền địa phương đã tiến hành khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm và đem vật nuôi nhiễm bệnh đi tiêu hủy.

Điều đáng nói, nhiều địa phương sau khi hạn chế được lây lan của DTLCP nay bỗng nhiên bùng phát trở lại. Điển hình như tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết trên địa bàn vừa phát hiện thêm 3 ổ DTLCP mới tại 3 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở phường Hương Chữ, phường Hương Văn và phường Hương Phong (thị xã Hương Trà) với tổng đàn heo nhiễm bệnh là 17 con.

Trước đó, ngày 11/5 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố hết dịch tả heo châu Phi ở huyện Phong Điền và nay đã phát hiện thêm ổ dịch mới.

Việc DTLCP xuất hiện ở khu vực phía Nam đã gây ra những xáo trộn nhất định cho sản xuất và thị trường tiêu dùng. Trên thị trường, giá lợn hơi (heo hơi) đã giảm từ 8.000 – 10.000 đồng/kg so trước khi có dịch, phổ biến ở mức từ 30.000 đến 32.000 đồng/kg.

Đức Tuân - Ngọc Trìu (báo Pháp luật)