Ngày đăng: 14-05-2025
TT.CHG - Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại,… trong thời gian từ ngày 15/5-15/6.
Sáng ngày 14/5, tại cuộc họp với các bộ, ngành và cơ quan Trung ương nhằm đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, trên diện rộng, với nhiều đối tượng tham gia, thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe người dân, uy tín doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia và niềm tin của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền... trong thời gian từ ngày 15/5-15/6/2025. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nguyên nhân là sự lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tham mưu của một số bộ ngành, địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, cụ thể, kịp thời, hiệu quả và chưa bám vào những nội dung, vấn đề diễn biến phức tạp, những vấn đề mới xuất hiện; sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan. Một số quy định còn lạc hậu, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng tình hình. Công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, bỏ sót; chưa huy động sức mạnh của toàn dân.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chưa hiểu hết các thủ đoạn vi phạm; hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng sự quản lý chưa theo kịp tình hình… Một số cá nhân tham gia công tác phòng chống lại có vi phạm, như lực lượng chức năng vừa khởi tố, bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, Thủ tướng nêu rõ, là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc; là nhiệm vụ mang tính lâu dài, phải làm thường xuyên, toàn diện, không ngừng nghỉ.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu trước hết mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.
Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, các địa phương thành lập tổ công tác do Chủ tịch UBND làm tổ trưởng, có sự tham gia của đại diện các ngành để triển khai đợt cao điểm trong thời gian từ ngày 15/5-15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết...
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, không để khoảng trống pháp lý, không vì sắp xếp tổ chức, bộ máy, địa giới hành chính mà buông lỏng quản lý.
Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương, lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tăng cường chỉ đạo, phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ và công an địa phương xác lập chuyên án, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đồng thời phối hợp với các cơ quan tố tụng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; kết quả xử lý được công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa chung.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế vừa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, phòng chống các hành vi vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm; chủ trì hoàn thiện chính sách thương mại điện tử và phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật. Với những nội dung thuộc thẩm quyền, Bộ chủ động ban hành, sửa đổi thông tư; đối với nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời trình Chính phủ hoặc Quốc hội xem xét, điều chỉnh theo thủ tục rút gọn, đảm bảo kịp thời và hiệu quả.
Lực lượng quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương giữ vai trò chủ trì trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại; phối hợp với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành tại địa phương tăng cường thanh tra, giám sát việc cấp phép và hoạt động kinh doanh, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: thuốc chữa bệnh, sữa, lương thực, thực phẩm...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại cuộc họp
Cùng với các biện pháp đã triển khai, cần quy định rõ nhiệm vụ của UBND cấp xã trong việc phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, cụ thể:
Xây dựng Luật Thương mại điện tử, sửa đổi Luật Thương mại, Nghị định về xuất xứ hàng hóa và các nghị định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.
Kiện toàn lực lượng quản lý thị trường tại địa phương, bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong trường hợp phát sinh vụ việc vi phạm trên địa bàn, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ, kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới nảy sinh, đặc biệt trong môi trường số và hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố thông tin sản phẩm sai sự thật.
Bộ Y tế cần chủ động, quyết liệt trong công tác kiểm soát dược phẩm, đặc biệt là việc ngăn chặn thuốc giả, thuốc nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Với vai trò là cơ quan chủ lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ cần xác định rõ nhiệm vụ đặt sức khỏe và quyền lợi của người dân lên hàng đầu, kiên quyết đấu tranh và tiến tới chấm dứt tình trạng thuốc giả.
Thủ tướng yêu cầu phát động phong trào thi đua đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ. Đồng thời lưu ý, các cơ quan cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phân công 6 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm" trong công tác này.
Nguyễn Hạnh
Theo Congthuong.vn