» Tin tức chống hàng giả » Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường biển, hàng không

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường biển, hàng không

Ngày đăng: 02-01-2020

TT.CHG - Theo BCĐ 389 quốc gia, trong năm 2019 tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp.

Thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc gian lận thương mại. Ảnh: TH

Nổi lên tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam để gian lận thương mại, gây thất thu NSNN và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp trên trên tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc.  Hiện các lực lượng chức năng tại đây đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn những khu vực đường mòn lối mở trọng điểm và phía Trung quốc đã xây hàng rào biên giới kiên cố nên tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã giảm hơn với thời điểm cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển trái phép, tàng trữ mặt hàng pháo nổ  diễn ra phức tạp, các đối tượng ngày càng liều lĩnh khi vận chuyển pháo với số lượng lớn. Trên tuyến biên giới Tây Nam bộ, mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép nổi lên vẫn là: đường cát, đồ điện tử, phế liệu và hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. Tình trạng sử dụng mẫu mã, bao bì, nhãn mác của các nhà máy đường trong nước để vận chuyển trái phép qua biên giới mặt hàng đường cát ngoại nhập, quay vòng hóa đơn vào tiêu thụ trong nội địa vẫn tiếp tục diễn ra. Đối với mặt hàng đường mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương trong công tác chống buôn lậu đường, tuy nhiên tình hình buôn mặt hàng này vẫn diễn biến phức tạp do giá đường trong nước hiện có giá cao hơn so với giá đường tại Campuchia. 

Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm bị là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà,... 

Tuyến  đường biển, cảng biển, mặt hàng nổi lên trên tuyến này vẫn là xăng, dầu, khoáng sản. Phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng khi vận chuyển hàng hóa vẫn là không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hoặc hồ sơ quay vòng nhiều lần, việc mua bán xảy ra ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì chạy khỏi vùng biển Việt Nam. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, hình thành đường dây buôn lậu xăng dầu có quy mô lớn ở khu vực biên giới trên biển Việt Nam. Tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục Cites: cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi,....có chiều hướng gia tăng. 

Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra khá phổ biến ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng như: Xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, điện tử, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu,… Đặc biệt hiện tượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ để buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các đối tượng đặt sản xuất hàng hóa giả mạo các thương hiệu, nhãn hiệu của Việt Nam ở nước ngoài, dán sẵn tem nhãn tại nước ngoài sau đó thông qua các hình thức khác nhau để thẩm lậu vào trong nước tiêu thụ; hoặc vẫn giữ nguyên nhãn mác nước ngoài, sau đó về Việt Nam tẩy xóa và dán tem nhãn của Việt Nam để bán ra thị trường...

Hoạt động buôn bán hàng hóa vi phạm qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp chân chính và quyền lợi.

Để ngăn chặn, BCĐ 389 quốc gia đã  ban hành và triển khai các Kế hoạch như: Kế hoạch về giám sát, kiểm tra việc thực hiện thí điểm một số chính sách xuất khẩu tạm nhập - tái xuất, gửi kho ngoại quan tại các tỉnh biên giới phía Bắc; Kế hoạch  về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam. Tham mưu Chính phủ chỉ đạo về nội dung: tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hàng hóa sản xuất nước ngoài gắn nhãn mác “made in Việt Nam”; tăng cường phòng chống, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi; kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất; đấu tranh xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả, kém chất lượng,…

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện với hình thức khác nhau như: phối hợp Đài Truyền thanh, Đài Truyền hình từ Trung ương đến địa phương; tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, đối thoại với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng giữa các tổ chức, cá nhân; biên soạn, phát tờ gấp, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, dán tờ rơi, áp phích ,...

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nghiên cứu: các giải pháp chống lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; giải pháp tăng cường quản lý nhà nước, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh xử lý đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

T. Lan