» Tin tức » Vẫn còn buông lỏng kiểm tra, kiểm soát mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Vẫn còn buông lỏng kiểm tra, kiểm soát mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Ngày đăng: 11-11-2019

TT.CHG - Nhiều kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng, giá cả các loại hàng hóa, đồng thời xử lý mạnh hơn nữa đối với các hành vi gian lận, làm hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng như Cafe, thuốc chữa bệnh...

 

Nhiều sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc được rao bán trên thị trường. Ảnh: TH

Về vấn đề này, theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù đã tích cực chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ; chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... 

Tuy nhiên, qua kiểm tra, xử lý thời gian qua cho thấy, tình trạng gian lận thương mại, sản xuất, mua bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm về chất lượng, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho nền kinh tế và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, sức khỏe con người, vật nuôi cây trồng; đặc biệt là nạn sản xuất kinh doanh hàng giả nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu có uy tín trên thị trường. Ngoài việc làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ. Nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử-điện máy, hàng tiêu dùng, phân bón, xe đạp điện, xe máy điện.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, cụ thể: Đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu trong tình hình mới; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2017 về một số giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu…
Đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các kế hoạch, chuyên đề có trọng điểm về công tác này, như: Kế hoạch chuyên đề về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm; …
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đã tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được nâng lên, đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại cộng đồng dân cư. Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường, góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng tình hình thực tế, chưa đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm còn xảy ra ở nhiều nơi nhất là khu vực đô thị... ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, để xử lý có hiệu quả hơn tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành, địa phương sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: Thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, triệt để các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.

 Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi; khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Phát động toàn dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên, liên tục, tăng cường thông tin tuyên tuyền kết quả của các lực lượng chức năng kết hợp phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân…

Tăng cường phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

T.Lan (Theo BCd 389)