» Tin tức chống hàng giả » Vẫn còn sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Vẫn còn sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Ngày đăng: 24-05-2019

TT.CHG - Đánh giá sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 41 về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới bên cạnh những kết quả khả quan, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: TH

Cụ thể như: Vai trò chỉ đạo của các cấp lãnh đạo của một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Ý thức của công chức thực thi nhiệm vụ ở một số nơi còn bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Một số đơn vị chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng, chưa kiểm tra sát sao, còn để cán bộ, chiến sỹ vi phạm kỷ luật, có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu dẫn đến tình  trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới ở một số tỉnh phía Bắc, Tây Nam Bộ còn phức tạp; trong nội địa sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phức tạp tại các thành phố lớn, khu đô thị,... sự phối hợp lực lượng trong triển khai các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia còn chưa  đồng bộ, thiếu chặt chẽ.

 Công tác quản lý nhà nước về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên một số mặt còn sơ hở, một số cơ chế, chính sách, pháp luật chưa được bổ sung, hoàn thiện, chưa sát với thực tế trong khi công tác sửa đổi, bổ sung không kịp thời tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đáng chú ý, việc xử lý sai phạm của một số tập thể, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực, để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh; phong trào đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở cộng đồng dân cư còn yếu không dám ngăn chặn, đấu tranh với buôn lậu, vi phạm pháp luật.

Dự báo thời gian tới, diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và phức tạp cả quy mô, tính chất và địa bàn, trên cơ sở những tồn tại, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành địa phương và Văn phòng Thường trực tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp.

Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch công tác định kỳ, các kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Duy trì chế độ thông tin báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đảm bảo thông tin kịp thời, báo cáo đầy đủ chính xác về kết quả công tác, tình hình, vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa, đa dạng về hình thức tuyên truyền, để nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Phát động toàn dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ, các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin tuyên tuyền kết quả của các lực lượng chức năng kết hợp phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân cả nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình hiện có; xây dựng các chuyên đề, chuyên mục mới hấp dẫn hơn,...

Bộ Quốc Phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phân công cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu chỉ huy các đơn vị theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. chủ động nắm chắc tình hình; duy trì chặt chẽ hoạt động tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, vùng biển, kiểm soát tàu thuyền, ngư dân khi ra biển, nhất là các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và đấu tranh, lấy lực lượng tại chỗ là chủ yếu.

Lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, chú trọng các vùng biển trọng điểm: Đông Bắc, cửa Vịnh Bắc Bộ, khu vực miền Trung, các khu vực giáp ranh với các nước ở vùng biển Tây Nam. ..

Bộ Công an chủ động nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác phối hợp, tổ chức thanh tra, tuần tra, kiểm tra, phát hiện bắt giữ, xử lý.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Thuế xây dựng và triển khai các chương trình, biện pháp thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng nhóm đối tượng (doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, các tổ chức phi lợi nhuận, cá nhân nộp thuế TNCN), theo lĩnh vực (xây dựng cơ bản, dầu khí, điện lực, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm...), theo chuyên ngành (các đối tượng sử dụng các giao dịch điện tử theo quy định của Luật giao dịch điện tử; thanh tra chống chuyển giá đối với các công ty đa quốc gia và các giao dịch quốc tế...). Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp liên kết phục vụ thanh tra giá chuyển nhượng; hoàn thiện các quy định, quy trình về thanh tra giá chuyển nhượng.

Lực lượng Hải quan tiếp tục làm tốt công tác xây dựng lực lượng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát hải quan; hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, giám sát Hải quan; tận dụng, tăng cường khai thác triệt để các nguồn cơ sở dữ liệu của ngành Hải quan để khai thác, tổng hợp, phân tích thông tin nhằm dự báo chính xác tình hình, xác định trọng điểm, kịp thời xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, triệt để với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường: Tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ, tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm...

Mai Ka (theo bcd 389)