» Tin tức chống hàng giả » Văn phòng Thường trực chủ động đề xuất thành lập các đoàn kiểm tra địa bàn trọng điểm về buôn lậu

Văn phòng Thường trực chủ động đề xuất thành lập các đoàn kiểm tra địa bàn trọng điểm về buôn lậu

Ngày đăng: 23-05-2019

TT.CHG - Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 quốc gia- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giao nhiệm vụ cho Văn phòng Thường trực tiếp tục tham mưu, đề xuất triển khai các Đoàn kiểm tra liên ngành do đồng chí Trưởng Ban và các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Trưởng đoàn đi kiểm tra địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, vụ việc phức tạp…

Văn phòng Thường trực thường xuyên thành lập đoàn công tác đi khảo sát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương. Ảnh: TH

Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc giám sát hoạt động thực hiện các Chỉ thị, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, đồng thời tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,… trong đó:

 Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các tổ công tác để thu thập thông tin về các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ; báo cáo, đề xuất lãnh đạo Ban Chỉ đạo xử lý nghiêm. 

Văn phòng Thường trực thường xuyên nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng chức năng trong và ngoài nước để thảo luận, đánh giá tồn tại, khó khăn, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, xây dựng, triển khai thực hiện một số chuyên đề, kế hoạch trọng tâm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo nhóm mặt hàng và địa bàn trọng tâm, trọng điểm...

Nhìn lại công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng đầu năm 2019, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng phải thẳng thắn và nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Bộ, ngành, địa phương mình trong thời gian qua; xác định rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới.

Theo đó, cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là Kế hoạch công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm hay của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt; tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.

Các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng phải tập trung phân tích tình hình và những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, thực chất và bài bản. Cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; nâng cao hơn nữa công tác phòng để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm, không chạy theo sự vụ.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.

 Chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ. Quá trình kiểm tra cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 địa phương lựa chọn đơn vị trọng điểm, lĩnh vực ngành hàng trọng điểm để chỉ đạo kiểm tra thực hiện các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản qui phạm pháp luật  không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.

 Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, căn cứ chức năng nhiệm vụ và tình hình thực tế, triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2019 với các giải pháp phù hợp với địa bàn, lĩnh vực quản lý. Trong đó giao chỉ tiêu cụ thể cho các lực lượng chức năng, tập trung công tác triệt xóa tuyến, địa bàn, tụ điểm, các đường dây, ổ nhóm,…

 

Mai Ka (theo bcđ)